9 Vị Phật Phổ Biến Trong Phật Giáo

Trước đây, từ này thường để chỉ một vị Phật từng có mặt trong lịch sử tên là "Siddhārtha Gautama" hay còn gọi là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, một nhân vật có thật đã truyền bá tư tưởng của mình ở lục địa Ấn Độ và những giáo lý ấy đã được làm nền tảng để khai sinh ra Phật giáo. Nhưng theo lời Siddhārtha Gautama, ngoài ông ra còn có vô số vị Phật khác nữa tồn tại ở các thế giới (hành tinh) khác hoặc ở những thời điểm khác: nhiều vị ở quá khứ, nhiều vị ở hiện tại và nhiều vị ở tương lai. Trong bài viết này, hãy cùng Phật Bản Mệnh Bình An tìm hiểu về 9 vị Phật phổ biến trong phật giáo nhé.

1. Phật Thích Ca Mâu Ni :

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là người khai sáng ra đạo Phật, Ngài được thờ ngay giữa chính điện, ngự trên đài sen với tư thế ngồi kiết già, hoặc ngồi kiết già với tay phải cầm hoa sen đưa lên. Xuất thân là Thái tử Tất Đạt Đa con của vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Maya, dòng họ Cồ Đàm, vương tộc Thích Ca. Tên thật của Ngài là Si Đác Ta (Siddhārtha Gautama) hay Tất Đạt Đa Cồ Đàm. Vì giòng họ này thuộc bộ lạc Sakya (Thích Ca), cho nên sau này mới có danh hiệu Thích Ca Mâu Ni (Shakyamuni). Muni là bậc Thánh, Shakyamuni là bậc thánh thuộc bộ tộc Thích Ca.

 

Sau nhiều năm tầm sư học đạo và ngồi thiền định dưới cội Bồ đề, Thái tử Tất Đạt Đa đã đạt giác ngộ hoàn toàn ở tuổi 35 và trở thành Phật Thích Ca Mâu Ni. Sau khi giác ngộ, Đức Phật đi bộ khắp miền bắc Ấn Độ để truyền dạy Bát Chánh Đạo, con đường để thoát khỏi đau khổ. Đức Phật đã dạy liên tục trong 45 năm, mọi người thuộc mọi chuyên ngành, từ vua cho đến trộm cướp đều bị thu hút bởi Ngài. Đức Phật trả lời mọi câu hỏi của họ, và luôn luôn hướng về cái mà cuối cùng là sự thật.

2. Đức Phật A Di Đà :

A Di Đà còn gọi là Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang và Vô Lượng Công Đức. Nghĩa là tuổi thọ, hào quang và công đức của Ngài không thể lường được. Ta thường thấy hình tượng Phật A Di Đà đứng trên tòa sen, tay trái cầm đài sen, tay phải duỗi xuống để tiếp dẫn chúng sanh. Phật A Di Đà thường được miêu tả cùng với 2 vị trợ thủ: Bồ Tát Quán Thế Âm, người xuất hiện bên trái của Ngài và Bồ Tát Đại Thế Chí, người xuất hiện trên phải của Ngài. Bằng lòng từ bi vô lượng, Phật A Di Đà đã “tạo ra” cõi Tịnh độ ở phương Tây như một nơi “nương tựa” để Phật tử tu tập sau khi rời khỏi cõi trần.


Trong trường phái Kim Cương thừa, các hành giả Mật Tông trì tụng thần chú của Phật A Di Đà như một phương pháp rèn luyện tâm để có thể vãng sanh về cõi cực lạc trong thời khắc chuyển giao giữa Sống-Chết-Tái Sinh được gọi là Thân Trung Ấm.Nhiều người tin rằng, Đức Phật A Di Đà có thể mang lại cho họ tất cả những phẩm chất giác ngộ, nhưng điều đặc biệt quan trọng là phải tập trung vào Ngài vào lúc chết. Để làm điều này, hành giả phải suy niệm về Phật A Di Đà và lặp lại câu thần chú của mình.

3. Đức Phật Di Lặc :

Theo kinh điển Phật giáo, Di Lặc là vị Phật sẽ xuất hiện trên Trái Đất, đạt được giác ngộ hoàn toàn, giảng dạy Phật Pháp, giáo hóa chúng sinh, và chứng ngộ thành Phật. Phật Di Lặc sẽ là vị Phật kế tiếp Đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni. Cõi giáo hóa của Bồ Tát hiện nay là nội viên của cõi trời Đâu-suất (sa. tuṣita). Bồ Tát Di Lặc được tiên tri sẽ giáng sinh trong kiếp giảm của tiểu kiếp kế tiếp, khi nhân thọ là 80.000 năm, tức khoảng hàng trăm triệu năm nữa theo năm Trái Đất, khi Phật Pháp đã hoàn toàn bị loài người lãng quên. 

 

Theo kinh Pháp Diệt Tận, Phật Thích Ca đã nói rằng từ thời điểm đó tới lúc Bồ Tát Di Lặc thành Phật là rất lâu xa, phải khoảng chừng 10 triệu năm. Tuy nhiên trong quá khứ, một số người đã tự xưng mình là Phật Di Lặc giáng thế để thực hiện các mưu đồ chính trị. Năm 689, Võ Tắc Thiên đã hạ lệnh cho Pháp Lãng ngụy tạo Đại Vân Kinh, cho rằng Võ Hậu là Di-lặc hạ sanh. Khoảng năm 713-755, Vương Hoài Cổ cũng tự xưng là Tân Phật (Phật Di-lặc) rồi khởi binh làm loạn. Năm 1022-1063 đời Bắc Tống, Vương Túc thống lãnh giáo đồ Di-lặc làm phản ở Bối Châu...

4. Phật Dược Sư :

Dược Sư Như Lai tiếng Phạm gọi là: Bhaisajya-guru Vaidurya-prabharajyah, gọi đủ là Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai, người ta thường gọi là Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, gọi tắt là Dược Sư Phật. Theo Dược Sư Như Lai Bổn Nguyện Kinh chép: “về phương Đông cách thế giới Ta Bà khoảng 10 hằng hà sa Phật độ có cõi Phật tên là Tịnh Lưu Ly, tên của Đức Phật đó là Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai”. Theo kinh Dược Sư Như Lai Bản Nguyện Công Đức, nhờ trong khi tu hành Bồ tát đạo phát 12 đại nguyện giải trừ hết thảy bệnh khổ cho chúng sinh, khiến họ đầy đủ căn lành và hướng về giải thoát nên khi thành Phật, Ngài trụ ở thế giới Tịnh lưu ly, trang nghiêm như thế giới Cực lạc, cùng với 2 vị Đại Bồ tát là Nhật Quang Biến Chiếu và Nguyệt Quang Biến Chiếu làm quyến thuộc để giáo hóa chúng sinh.


Bổn nguyện của Dược Sư Như Lai là trị tất cả trọng bệnh phiền não vè thân và tâm của chúng sinh, cứu độ chúng sinh ra khỏi sinh tử khổ đau. Vì Dược Sư Như Lai có bổn nguyện thanh tịnh như vậy nên ánh sáng trong suốt hoàn toàn thanh tịnh (Lưu Ly Quang) như lưu ly vô ngại hiển hiện trên thân của Ngài, và quốc độ của Ngài cũng như vậy nên gọi là Dược Sư Lưu Ly Quang.Cũng như các Đức Phật trong mười phương, Đức Dược Sư có đầy đủ thập hiệu Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật-Thế Tôn.

5. Phật Bất Động :

Đức Bất Động Phật còn có tên gọi khác là A Súc Bệ Như Lai (tiếng Phạn: Akshobhya) an trụ trên bảo tòa được tám Tượng vương nâng đỡ. Thân Ngài sắc xanh dương, an tọa trong tư thế kim cương, tay phải Ngài kết ấn Xúc địa, tay trái trong tư thế thiền định, trì giữ Chày Kim Cương năm chẽ.Phật Bất Động được trang hoàng bằng trang sức báo thân. Ngài hiện thân trong sắc tướng như vậy giống như trí tuệ bản lai Đại viên cảnh trí đã nằm sẵn trong tâm chúng ta.Đức Phật Bất Động có thân sắc xanh dương tượng trưng cho Thủy đại, và nước cũng có khả năng phản chiếu như một chiếc gương. Biểu tượng của Ngài là chày Kim Cương, tượng trưng cho cảnh giới giác ngộ, tính Phật sẵn có nơi mỗi người không thể phá hủy, không thể chia cắt, bất động và bất biến.

 

Ngài là hiện thân của tâm sân giận đã hoàn toàn được tịnh hóa. Sân giận là cảm xúc mãnh liệt thúc đẩy sự đối nghịch với những đối tượng mà ta không thích. Khi cơn tức giận nổi lên, chúng ta thường có những lời nói hoặc hành động nghiệt ngã làm đau lòng hoặc tổn thương người khác.Tuy vậy, tự tính thanh tịnh của trạng thái giận dữ đó thực ra chính là A Súc Bệ Phật. Sự tức giận khi được tịnh hóa và nhận biết sẽ trở thành Đại Viên Cảnh Trí. 

Với trí tuệ này, chúng ta có thể nhìn thấy bản chất thật của mọi thứ một cách khách quan, không giả tạo.Bất kể đối tượng là một bông hồng đỏ thắm hay một con dao găm nhuốm máu, chiếc gương trí tuệ này sẽ phản chiếu cả hai theo bản chất vốn có của chúng, không phán xét hay phân biệt hai màu đỏ, không cố gắng khen ngợi bông hồng hay quy kết chối bỏ con dao đầy máu, không khước từ và không bám chấp. Chiếc gương luôn giữ được vẻ điềm tĩnh, bất biến. Tâm chúng ta cũng nên như vậy cho dù ở trong hoàn cảnh thuận lợi hay bất lợi.

6. Phật Kim Cương Trì :

Đức Phật Kim Cương Trì Vajradhara là Đức Phật nguyên thủy, hiện thân của tất cả chư Phật trong ba đời và là tinh túy của tam thân – thân của chư Phật. Đức Phật Kim Cương Trì cũng biểu trưng cho Pháp thân Phật và khía cạnh tuyệt đối của sự giác ngộ.Phật Vajradhara là sự biểu lộ cao nhất của giác ngộ, sự đại diện thấy được của Pháp thân. Nghĩa đen của “Vajra” là kim cương, nhất là trong phương diện cứng chắc không thể bể nát của nó. Trong nghĩa cao hơn, Vajra để chỉ bản tánh nội tại của giác ngộ – sự hợp nhất bất khả hoại và bất khả phân của trí huệ siêu việt và lòng bi vô hạn, cũng như lạc tối thượng và tánh không tối hậu. Là sức mạnh vũ trụ tối cao khởi từ cõi giới Pháp thân, Vajradhara tượng trưng sức mạnh hợp nhất tối thượng và nguồn bi mở khắp. Trong Vajradhara mọi hình tướng Báo thân, mọi phẩm tính và công năng của chúng được thống nhất. Từ đó Vajradhara được diễn tả là sự thống nhiếp toàn khắp của mọi thuộc tính của giác ngộ.

 

Ngài là hiện thân của sự tinh túy siêu việt của Phật tính với tay phải trì giữ chày Kim cương (biểu thị phương tiện), tay trái của Ngài giữ linh (biểu hiện trí tuệ). Hai tay bắt chéo trước ngực, Kim cương trì là sự đại diện tuyệt đối của Bất nhị và tánh Không đó là Mahamudha (Đại ấn), sự hợp nhất vĩ đại – sự chứng thực tuyệt đối. Đây là mục đích tối thượng mà tất cả các hành giả đều tinh tiến nỗ lực vươn tới.Trong Truyền thống Mới, Ngài là Đức Phật nguyên thuỷ, nguồn mạch của mọi tantra. Trong Truyền thống Cũ, Vajradhara tượng trưng cho nguyên lý của vị Thầy như bậc trì giữ giác ngộ của giáo lý Kim Cương Thừa.

7. Phật Bảo Sinh :

Ratnasambhava có nghĩa là “đản sinh từ bảo báu”, “ratna” trong tiếng Phạn có nghĩa là Bảo báu. Người ta tin rằng đức Phật Bảo Sinh chuyển hóa tính kiêu mạn của con người thành Bình đẳng tánh trí. Loại trí tuệ này đưa ra những đặc điểm chung về sự trải nghiệm cảm xúc của con người và giúp chúng ta thấu hiểu được nhân loại dưới hình tướng cả nam và nữ. Nó giúp chúng ta hiểu được dù bản thân là một cá thể nhưng về bản chất, chúng ta vốn luôn hợp nhất chặt chẽ, không tách rời với phần còn lại của nhân loại. Trong cảnh giới giác ngộ này, không một chúng sinh nào hơn hay kém chúng sinh khác, không có khoảng trống cho bản ngã trỗi dậy.


Đức Phật Bảo Sinh có khế ấn Verada. Khế ấn này biểu trưng cho sự bố thí và ban phát ân huệ. Trên thực tế, biểu tượng riêng của Ngài là viên ngọc Như Ý, liên quan đến sự thịnh vượng. Và đôi khi đức Phật Bảo Sinh được miêu tả là đức Phật Bố thí. Ngài không bao giờ phân biệt mà luôn bố thí cho tất cả (Bình đẳng tánh trí). Đối với Ngài, tất cả các chúng sinh đều quý giá như nhau. Bất kể địa vị xã hội, chủng tộc, giới tính hay điều kiện sống, tất cả chúng ta đều được tạo ra từ đất. Ân đức của đức Phật Bảo Sinh rọi chiếu tất cả, từ cung điện nguy nga tráng lệ cho đến những vật nhơ bẩn nhất như đống phân. Thiền định về trí tuệ của Ngài giúp cho chúng ta trưởng dưỡng được sự đoàn kết, hợp nhất cho tất cả đồng loại, và còn hơn thế nữa, cho tất cả vô tình và hữu tình chúng sinh.

Trí tuệ Bình đẳng tánh trí ban tặng chúng ta sự rõ ràng của Tâm để quán chiếu tâm trong một khái niệm đúng đắn, theo đó tám sự trải nghiệm cảm xúc được sắp xếp thành bốn cặp: được mất, vinh nhục, khen chê, khổ vui. Những trải nghiệm này luôn đi thành từng cặp. Nếu chúng ta theo đuổi một thứ thì nó sẽ mở con đường dẫn tới thứ còn lại. Ví dụ ta đi tìm khoái lạc thì chắc chắn một lúc nào đó, ta sẽ bị đau khổ. Đây là sự diễn đạt về mặt tâm linh của định luật động lực học thứ ba của Newton: “Mọi hành động trong vũ trụ đều có lực đối ứng với nhau, có sức mạnh tương đương”.

Màu của đức Phật Bảo Sinh là màu vàng. Đây là màu của đất. Đất cũng cực kỳ rộng lượng và hào phóng, luôn sẵn lòng chia sẻ sự thịnh vượng của nó. Ngoài ra, đất cũng bố thí mà không mong chờ đáp trả. Nó bố thí và cũng được nhận nhiều như thế. Do vậy, trái đất là cán cân vĩ đại. Giống như Trái đất, ánh sáng chói lọi của đức Phật Bảo Sinh phá tan tất cả các giới hạn về ta và người. Do đó, chúng ta có thể chia sẻ với người khác – mà không có bất kỳ cảm giác liên quan đến việc cho, bởi vì cho là có bản ngã để cho và có người khác để nhận. Đức Phật Bảo Sinh nâng đỡ chúng ta vượt qua chấp thủ nhị nguyên ấy.

8. Phật Bất Không Thành Tựu :

Bất Không Thành Tựu Phật (tiếng Phạn: Amoghasiddhi) an tọa trong tư thế Kim Cương trên Bảo tòa được tám Mệnh lệnh điểu nâng đỡ. Thân Ngài sắc xanh lục, nêu biểu sự an bình, vắng bặt mọi lo lắng sợ hãi. Tay phải Ngài kết ấn Hộ trì, tay trái trong tư thế Thiền định.Ngài được trang hoàng bằng trang sức Báo thân. Tật đố, ghen tị được chuyển hóa thành Thành Sở Tác Trí. Ngài nêu biểu cho công hạnh cứu khổ chúng sinh và trí tuệ thành tựu hết thảy mọi điều sở nguyện. Pháp khí biểu tượng của Ngài là chày Kim Cương kép.Ngài an tọa trong tư thế Kim Cương trên Bảo tòa được tám Mệnh lệnh điểu nâng đỡ. Thân Ngài sắc xanh lục, nêu biểu sự an bình, vắng bặt mọi lo lắng sợ hãi. Tay phải Ngài kết ấn Hộ trì, tay trái trong tư thế Thiền định. Ngài được trang hoàng bằng trang sức Báo thân.

 

Tật đố, ghen tị được chuyển hóa thành Thành Sở Tác Trí. Ngài nêu biểu cho công hạnh cứu khổ chúng sinh và trí tuệ thành tựu hết thảy mọi điều sở nguyện.Pháp khí biểu tượng của Ngài là chày Kim Cương kép.Thế ấn Hộ trì của Đức Phật Bất Không Thành tựu nêu biểu sự hàng phục tật đố,tiêu trừ mọi chướng ngại, bảo vệ hết thảy chúng sinh. Theo lịch sử Phật giáo, em họ của Đức Phật là Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) vì ganh tức với Đức Phật nên đã nhiều lần định ám hại Ngài.

Trong một lần Đức Phật đi kinh hành, Đề Bà Đạt Đa đã thả một con Voi say chạy về hướng Đức Phật. Con Voi hung dữ đã dẫm nát mọi thứ trên đường đi, nhưng khi đến gần Đức Phật, Ngài kết thế ấn này khiến con voi ngay lập tức được hàng phục, bỗng trở nên hiền lành ngoan ngoãn. Phật Bất Không Thành Tựu an tọa trên tòa Mệnh Lệnh Điểu, là loài chim thần với thân nửa người nửa chim chuyên ăn rắn, nêu biểu sự hàng phục những tai ương, hiểm ngại. Với khả năng thiên phú có tầm nhìn xa, Mệnh Lệnh Điểu có thể nhận ra sự hiện diện của những si ám như mãng xà đang quấy nhiễu con người ngay từ khoảng cách rất xa.

Ngoài ra, Mệnh Lệnh Điểu cũng có mối liên hệ với dãy Himalaya ở phương Bắc, đây cũng là phương trấn của Đức Phật Bất Không Thành Tựu.Phật Bất Không Thành Tựu có mối liên kết đặc biệt với năng lượng Ngài được coi là chủ của Nghiệp Bộ. Là một Đức Phật hành động, Ngài biểu trưng cho thành tựu tu tập viên mãn, kết quả của việc vận dụng trí tuệ của bốn Đức Phật còn lại trong Ngũ Trí Phật.Chày Kim Cương kép của Ngài cũng là một biểu tượng thành tựu viên mãn tất cả mọi công hạnh. Đó là lý do tại sao sau khi hoàn tất nghi lễ yểm tâm và triệu thỉnh Phật dung nhập tượng, chày Kim Cương kép thường được khắc lên đáy bảo tòa của Đức Phật.

Đức Phật Bất Không Thành Tựu chuyển hóa đố kỵ thành trí tuệ Thành Sở Tác Trí. Trong chừng mực nhất định, sự ghen tị là cảm xúc tích cực của con người để có sự cạnh tranh giúp chúng ta vươn tới tầm cao mới vĩ đại hơn. Nhưng ở phần tiêu cực, sự ghen tị khiến chúng ta trở nên ganh ghét mọi mục tiêu và đối tượng.

Khi tiêu trừ được cảm xúc có liên hệ mật thiết với sự thù ghét này, đồng thời cũng quán chiếu được chủ thể của sự đố kỵ thì điều đó sẽ là phương tiện quý giá giúp chúng ta đạt được thiện nghiệp vĩ đại dẫn tới sự viên mãn cao cấp hơn, viên mãn thông điệp của Đức Phật Bất Không Thành Tựu.

9. Phật Đại Nhật Như Lai :

 Đại Nhật Như Lai, tên tiếng Phạn là Vairochana, dịch là Phật Ma Ha Tỳ Lô Giá Na, còn gọi là Phật Tỳ Lô Giá Na. Biểu thị Phật Đà từ bi ban cho chúng sinh sự gia trì vô lượng ánh sáng Phật. Giống như mặt trời của dân gian, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, hiền ngu, tốt xấu, đối với vạn vật trên mặt đất đều phổ chiếu bình đẳng. Ngài là Bản tôn, đồng thời là Phật căn bản tối thượng được Mật giáo cung phụng.  Đại Nhật Như Lai là tôn xưng chí cao vô thượng trong Phật giáo Mật tông, là Đức Phật cấp cao nhất trong Mật tông. Theo đó, tất cả các đức Phật và Bồ Tát đều do Đại Nhật Như Lai mà ra, Đại Nhật Như Lai đứng đầu chỉ huy tất cả, là đức Phật khởi sinh trong giới Phật giáo Mật tông.

 

 "Đại nhật” có nghĩa là thắng cả mặt trời, Đại Nhật Như Lai có thể phá bỏ mọi tà pháp, xóa mọi trở ngại trong chốn nhân gian, công đức viên mãn, đem ánh sáng trí tuệ chiếu sáng muôn nơi, không còn đêm đen che giấu, khởi nguồn sinh sôi Phật Tâm. Ánh sáng trí tuệ của Đại Nhật Như Lai khơi gợi tâm thiện trong mỗi con người.  Mật Tông cho rằng, Đại Nhật Như Lai không chỉ là bản tôn mà còn là mấu chốt giáo lý của Mật Tông. Bởi trí tuệ quang minh của Đức Phật Như Lai chiếu đến khắp nơi, có thể khiến Pháp giới vô biên phổ chiếu quang minh và mở ra Phật tính, thiện căn cụ thể trong chúng sinh, thành công trong sự nghiệp thế gian, xuất thế gian, vì thế có tên gọi là Đại Nhật.

 Trong Phật giáo Tạng truyền, hình tượng thường thấy của Đại Nhật Như Lai là : Sắc thân màu trắng, 4 mặt 2 tay, 2 tay kết ấn Thiền định, cầm bát bảo pháp luân, thần thái khoan thai, quan sát khắp bốn phương. Ngài khoác vải choàng vai bằng lụa, có đầy đủ sự trang nghiêm, ngồi xếp bằng trên tòa hoa sen. Hoa sen và nguyệt luân tượng trưng cho phương tiện và trí tuệ. Phương tiện và trí tuệ là vũ khí sắc nhọn để đoạn diệt mê hoặc và vọng tưởng, từ đó đem các nghiệp ác chuyển thành nghiệp thiện.


 

Bài đăng phổ biến từ blog này

5 Đại Minh Vương Của Mật Giáo

8 Vị Bồ Tát Phổ Biến Trong Phật Giáo

12 Hình Ảnh Đẹp Nhất Về Hư Không Tạng Bồ Tát