Hình Ảnh Bồ Tát Phổ Hiền Trong Phật Giáo

Trong cuộc sống, Phật tử chúng ta thường hay ca ngợi và thán phục trước những tấm lòng hy sinh cao cả, qua hạnh nguyện thể hiện tình thương, giúp đời của những người đi theo lý tưởng phụng sự xã hội. Hạnh nguyện đó, ít nhiều cũng đã hé mở cho những thân phận cùng khổ một tia sáng hy vọng, một niềm tin hướng thượng giữa đời thường. Thế nhưng, tình thương yêu và nghĩa cử cao đẹp đó vẫn còn nằm trong hữu hạn, với những điều kiện mong cầu. Song, tìm hiểu qua kinh điển Phật giáo Đại Thừa, chúng ta thấy có nhiều vị Bồ tát, hạnh nguyện lợi tha thật vô cùng rộng lớn.

Bồ Tát Phổ Hiền
 

Ở đây, sự nổi bật về hạnh nguyện độ thế, chúng ta thấy có Bồ tát Phổ Hiền, một vị Bồ tát mà tín đồ Phật giáo thường hay tôn trí, thờ phụng trong các ngôi chùa ở những nước châu Á có sùng mộ Phật giáo phát triển.Là người Phật tử chân thành, chúng ta hiểu thế nào về hình ảnh của vị Bồ tát này để niềm tin không rơi vào ý thức thần linh, siêu hình, huyền ảo. 

Danh Hiệu :

Danh hiệu  Bồ tát này nói cho đủ theo âm Hán là Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ tát Ma ha tát.Đại Hạnh là hạnh nguyện sâu rộng, cùng khắp tất cả mười phương Pháp giới mà kinh Hoa Nghiêm thường ẩn dụ là biển hạnh (Phổ Hiền Hạnh Hải). Phổ Hiền –Dịch từ thuật ngữ Phạn Sàmantabhadra –Dịch âm là Tam Mạn Đà Bạt Đà La hoặc Tam Mạn Đà Bạt Đà, Bật Thâu Bạt Đà, dịch nghĩa là Biến Cát. Nghĩa là thân tướng và công đức của vị Bồ tát đó có khắp mọi nơi, thuần nhất, diệu thiện.

Bồ Tát (BodhiSattva): Dịch âm là Bồ Đề Tát Đóa, hay là Ma Ha Đế Tát Đóa, theo các nhà dịch cũ gọi là Đại Đạo Tâm Chúng Sanh, Đạo Chúng Sanh v.v... Còn theo cách dịch của Ngài Huyền Trang trở về sau, gọi là Đại Giác Hữu Tình, Giác Hữu Tình. Nghĩa là vị có đại tâm cầu đạo nên gọi là Đạo Tâm Chúng Sanh. Vị cầu Đạo, cầu Đại Giác do đó cũng gọi là Đạo Chúng Sanh. Đại Giác Hữu Tình, Giác Hữu Tình là vị tự mình nỗ lực giác ngộ và hướng dẫn chúng sanh đều được giác ngộ. Tát đóa có nghĩa là dũng mãnh, dũng mãnh cầu Bồ Đề nên gọilà Bồ Để Tát Đóa. Hoặc gọi là Khai Sĩ, Cao Sĩ, Đại Sĩ (vị có nhân cách, năng lực khai thị cho tất cả chúng sanh đồng giác ngộ.

Ma Ha Tát –Nghĩa là to, lớn, nhiều. Đây là chỉ cho phẩm tính phổ biến sâu rộng của Hạnh Nguyện và đủ tư cách làm bậc thượng thủ hướng dẫn chúng hội phát tâm tu tập vô lượng hạnh nguyện của các đức Như Lai. Do đó, danh hiệu Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ tát Ma Ha Tát có nghĩa là vị Bồ tát có vô lượng công đức và hạnh nguyện, trùm khắp mười phương cõi nước.

Xuất Hiện :

Căn cứnhững sưu khảo của các nhà nghiên cứu Phật học, thì danh hiệu Phổ Hiền được thấy xuất hiện đầu tiên trong kinh Mạn Đà La Bồ Tát, về sau xuất hiện nhiều ở các bản kinh khác. Đặc biệt, đất nước Trung Hoa có những truyền thuyết về Bồ tát Phổ Hiền; họ cho rằng đức Phổ Hiền Bồ tát thị hiện hóa thân tại núi Nga Mi Sơn (một trong 4 đại danh sơn Trung Quốc thuộc tỉnh Tứ Xuyên) và trên núi có Chùa Quang Tướng là Linh Tràng của Bồ Tát Phổ Hiền thị hiện giáo hóa. Ở Việt Nam, cũng có một số chùa có tôn trí hình tượngBồ Tát Phổ Hiền, cưỡi voi trắng 6 ngà hầu bên phải đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngài Phổ Hiền là một trong những vị Bồ Tát mà Phật Giáo đồ Việt Nam rất tôn kính.

Truyền Thuyết :

Về sự tích tiền thân Bồ Tát Phổ Hiền, kinh Bi Hoa có nói “Trích Lục Phật học tạp chí tử Bi Âm” (tập 200-204), minh họa:

Xưa ! Tiền thân đức Phổ Hiền có tên là Năng Đà Nô, người con thứ tư của vua Vô Tránh Niệm. Nhờ phụ vương khuyên bảo, thái tử đã phát tâm cúng dường đức Phật Bảo Tạng và chư Tăng trong 3 tháng hạ.

Thuở ấy quan đại thần là Bảo Hải, thấy thái tử phát tâm dũng mãnh như thế nên khuyên rằng: “Nay điện hạ đã có lòng làm các việc công đức, vậy hãy hồi hướng về đạo Vô thượng bồ đề, cầu được thành Phật hơn là cầu phước báo hữu lậu, nơi cõi trời, cõi người".

Thái tử nghe quan đại thần nói như vậy, liền bạch lên đức Phật Bảo Tạng: “Bạch đức Thế Tôn ! –Nay tôi làm các công đức, tất cả đều xin cúng dườnglên đức Như Lai và đại chúng, xin hồi hướng công đức này hướng về đạo Vô thượng chánh giác, nguyện phát tâm Bồ Đề, tu tập vô lượng hạnh nguyện Bồ Tát, giáo hóa mọi loài chúng sanh, cầu chứng ngôi Phật đạo. Và xin hồi hướng để được cõi Phật trang nghiêm, thanh tịnh, tất cả đều tốt đẹp và sự giáo hóa chúng sanh sẽ đồng như cõi của Phật Phổ Hiền”. Khi Phật Bảo Tạng nghethái tử phát những thệ nguyện, Ngài liền khen ngợi và thọ ký, đồng thời đặt hiệu cho thái tử là: Kim Cang Trí Tuệ Quang Minh Công Đức. Sau nhiều kiếp tu hành, thực hiện  các thệ nguyện viên mãn, rồi đến thế giới Bất huyến phương Đông thành Phật hiệu là Phổ Hiền Như Lai.

Từ khi phát những hạnh nguyện đó và nhờ nhiều đời sinh ra nơi nào cũng tinh tấn tu hanh đạo Bồ Tát nên Ngài đã thành Phật và đang hóa thân vô số ở các thế giới để giáo hóa chúng sanh.

Bồ Tát Phổ Hiền Dưới Góc Độ Siêu Hình :

1. Khái Niệm Trìu Tượng :

Nói đến danh hiệu, cũng như hình ảnh và nhân cách của Bồ tát, chúng ta  hoàn  toàn  chỉ  nhận  thức  trên  khái  niệm.  Thế  nhưng,  khái  niệm  chỉ  là phương tiện, là cái vỏ để giúp người Phật tử hình dung ra được vị Bồ Tát màmình đặt  niềm  tin  sùng  kính,  ngưỡng  vọng.  Song,  sự  sùng  tín  đó  không ngoài tinh thần ca ngợi, học hỏi, noi gương. Tuy nhiên, dường như người tín đồ chỉ muốn vị Bồ tát mình tôn thờ phải ở một thế giới nào đó cao hơn cõi Ta Bà này. Từ đó, những quan niệm trừu tượng mãi đóng khung và lẩn quẩn trong những ý nghĩa huyền hoặc, siêu hình. Vì họ cho rằng nhân cách và hình ảnh như thế chắc chắn không phải là con người bằngda bằng thịt như chúng ta. Khi đó Bồ tát Phổ Hiền là nhân vật kiểu mẫu để giúp hành giả hóa thân đi vào cuộc đời với hạnh nguyện lợi tha.

2. Lý Tưởng :

Như người ta nói, lý tưởng là mục đích mà con người ở bất cứ xã hội nào đều muốn vươn tới, đạt được. Cũng như thế, Bồ tát Phổ Hiền là nhân vật lý tưởng. Hướng về Bồ Tát với niềm tôn kính là để tự hoàn thiện nhân cách của chúng ta, chứ không phải chỉ biết ca tụng, tán dương. Quan niệm này rất nhiều Phật tử trí thức chấp nhận. Đối với bản thân ngườiviết vẫn coi đây là cái nhìn trọn vẹn về ý nghĩa sùng tín và lễ bái các vị Bồ Tát trong Phật giáo Đại Thừa. Nói như thế, không có nghĩa là phủ nhận, vì mọi hành giả đều có khả năng hóa thân.

3. Tín Ngưỡng Bình Dân :

Song song với quan niệm Bồ Tát Phổ Hiền là nhân vật lý tưởng, lại có những Phật tử coi Bồ Tát Phổ Hiền như vị thần, thánh linh thiêng, có khả năng ban ơn, giáng phước. Đây là cái nhìn hoàn toàn tín ngưỡng, nó phù hợp với những quan niệm của các tôn giáo thần quyền.

Đúng là trong hệthống kinh điển mật giáo, Bồ tát Phổ Hiền được coi là vị có năng lực vô biên và có nhiều phương pháp quán tưởng tu tập về vị Bồ tát này. Nhưng đó là mật mã, những giá trị tuyệt đối về tâm linh. Hành giả cứ thực tập những công thức của các vị đạo sư mật giáo hướng dẫn, chắc chắn sẽ đạt được vô số diệu dụng, cũng như chứng nhập pháp thân, thành tựu Như Lai địa. Điều này, nếu ai chưa đi vào con đường thể nghiệm thì không nên có ý tưởng phê phán. Vì lộ trình đi vào cõi đạo có vô số pháp môn và nhiều cách thể nhập.

Đối với Phật tử chưa nắm vững nguyên lý và phương tiện tu hành trong hệ thống mật giáo, khi phát khởi niềm tin và sùng tín Bồ Tát Phổ Hiền nên có nhận thức chánh kiến, bằng không sẽ rơi vào tà kiến và chủ nghĩa thần linh, giáo điều. Tuy nhiên, ngày nay đa phần Phật tử chúng ta tôn thờ và tín ngưỡng Bồ tát rất dễ rơi vào những ý thức mê tín hơn là đúng với tinh thần chánh pháp.Nói như thế, tinh thần tín ngưỡng đó không phải không lợi ích, nhưng sự lợi ích chỉ giúp an ổn tạm thời ở mặt tâm lý. Nếu hành giả cứ sống mãi với khuynh hướng này, tâm thức sẽ đưa đến cảm giác nhàm chán, chai lỳ. Thế nên, chỉ có con đường phát huy tuệ giác, trang bị đời sống bằng vô lượng phước thiện và công đức mới mong có được kết quả an lạc và hạnh phúc vĩnh cửu đời này và đời sau.

Kết Luận :

Tóm lại, Bồ tát Phổ Hiền là nhân vật biểu thị cho vô lượng phẩm tính của pháp thân Phật. Từ hạnh nguyện rộng sâu, Ngài đã thành Phật và tiếp tục hóa thân vào các cõi để dìu dắt muôn loài phát tâm, lập nguyện thành Phật. Với những truyền thuyết, hạnh nguyện và tính biểu trưng đã xây dựng Bồ tát Phổ Hiền siêu việt cả tư tưởng lẫn nhân cách. Mẫu người như thế, đương nhiên có giá trị khai phóng, chuyển hóa đời sống con người và xã hội hoàn thiện về đạo đức, luân lý cũng như nhân cách vô hành. Chúng ta hướng về Bồ Tát Phổ Hiền bằng tấm lòng ca ngợi và thực hành theo Ngài chứ không phải sự cầu mong ban ơn, vì Bồ tát Phồ Hiền là vị đạo sư hướng dẫn chúng sanh tu hành. Với ý nghĩa này, tự thân mỗi người đóng vai trò quyết định.

Để có kết qủa tốt đẹp, chúng ta phải thể hiện đời sống tự thân noi gương tu học, chứ không nên lẩn quẩn theo những quan niệm siêu hình, lý tưởng hoặc thờ phụng theo dạng mê tín. Nếu vái lạy, cúng dường Bồ Tát để cầu giúp những việc làm có lợi cho mình và hại người thì không những không lợi ích mà còn phải đọa lạc khổ đau. Vì lẽ đó, ngày vía Bồ Tát Phổ Hiền, chỉ cần kính dâng lên lòng chí thành thanh tịnh và nguyện sống như Ngài, chắc chắn trong đời sống của chúng ta sẽ đạt được an lạc và giải thoát.


Bài đăng phổ biến từ blog này

5 Đại Minh Vương Của Mật Giáo

8 Vị Bồ Tát Phổ Biến Trong Phật Giáo

12 Hình Ảnh Đẹp Nhất Về Hư Không Tạng Bồ Tát