Hình Anh Văn Thù Bồ Tát Trong Phật Giáo Đại Thừa
Mỗi năm đúng vào ngày 04/04 Âm lịch là ngày vía đức Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, một vị Bồ Tát được coi là bậc thượng thủ trong hàng Bồ tát. Về sự tín ngưỡng, tôn trí, thờ phụng ở những ngôi chùa Việt Nam, chúng ta thường thấy Ngài đứng hầu phía tay trái Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, tay cầm kiếm và ngồi trên lưng con sư tử xanh. Tuy nhiên, là người con Phật, chúng ta phải đặt niềm tin và sự hiểu biết về Bồ tát Văn thù Sư Lợi như thế nào cho đúng với tinh thần Phật giáo ? Ở đây chúng tôi cùng qúy vị từng bước tìm hiểu hình ảnh, tư cách và tính biểu trưng của Bồ tát để sự tôn kính thờ phụng không những có lợi ích cho tự thân và xã hội mà còn không rơi vào ý nghĩa thần linh, siêu hình, tà kiến.
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát |
1. Danh Hiệu :
Bồ tát Văn Thù Sư Lợi nói cho đủ theo âm Hán là Đại trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát Ma Ha Tát.Đại Trí là trí tuệ (pràjnà) thấu triệt tường tận chân lý tuyệt đối. Trí này có khả năng soi rọi, chuyển hóa vô minh, phiền não, dục ái, nhiễm ô thành thanh tịnh, đưa nhận thức vượt lên mọi phạm trù đối đãi, đạt giải thoát toàn diện .
Văn Thù Sư Lợi là dịch âm từ tiếng Phạn Manjusri. Các nhà cựu dịch gọi là Văn Thù Thi Lị, còn tân dịch gọi là Văn Thù Thất Lị, gọi tắt là Văn Thù. Nếu dựa trên cơ sở các kinh Đại Thừa, chúng ta lại thấy rằng: Vị Bồ tát này có rất nhiều tên gọi khác nhau. Như kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Niết Bàn gọi là “Diệu Đức”. Diệu Đức có nghĩa là vị Bồ tát có bất khả tư nghì các thứ công đức vi diệu. Hoặc kinh Vô Hành gọi là “Diệu Thủ”. Đó là vị Bồ Tát có bất khả tư nghì công đức và đứng đầu trong hàng Bồ Tát. Đối với kinh Quán Sát Tam Muội, kinh Đại Tịnh Pháp Môn thì gọi là “Phổ Thủ” –có nghĩa là tư cách Ngài đứng đầu trong chúng hội Bồ tát, thỉnh Phật tuyên thuyết nghĩa lý các kinh liễu nghĩa. Còn kinh A Mục Khư, kinh Phổ Siêu có danh xưng là “Như Thủ” –Vị Bồ tát thường hay thuyết minh về nghĩa lý thật tướng. Hay kinh Đại Nhật gọi là “Diệu Cát Tường”, có nghĩa là Bồ Tát Văn Thù vì có bất khả tư nghì công đức vi diệu nên thường biểu hiện các điều tốt lành.
Bồ tát theo từ điển Phật học Hán Việt giải thích: Bồ tát –theo thuật ngữ Phạn Bodhisattva –gọi đầy đủ là Bồ-đề-tát-đóa, hay còn gọi là Ma-ha-đế-tát-đóa dịch là Đại Đạo Tâm Chúng Sanh, Đạo Chúng Sanh (cựu dịch), hoặc còn dịch là Đại Giác Hữu Tình, Giác Hữu Tình v.v... nghĩa là người có đại tâm cầu đạo, nên gọi là Đạo Tâm Chúng Sanh. Người cầu đạo, cầu đại giác do đó còn gọi là Đạo Chúng Sanh, Đại Giác hữu Tình. Còn tát-đóa nghĩa là dũng mãnh, dũng mãnh cầu bồ đề nên gọi là Bồ-đề-Tát-đóa. Hoặc dịch là Khai sĩ, Cao sĩ, Đại sĩ v.v... đó là dịch theo nghĩa. Tên gọi chung: Chúng Đại Thừa Cầu Phật Quả.
Ma Ha Tát có nghĩa là đại –rộng lớn, đó là chỉ cho phẩm tính toàn diện về mặt trí tuệ của bậc đã giác ngộ, có đủ tư cách làm vị thượng thủ, hướng dẫn chúng hội Bồ tát thắp sáng trí tuệ và thực hiện hạnh nguyện độ sanh giữa lòng cuộc đời. Như vậy, Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát Ma Ha Tát tức là vị đã tự tu tập và chứng ngộ, có trí tuệ siêu việt,có bất khả tư nghì công đức vi diệu, đủ khả năng làm bậc thượng thủ trong chúng hội Bồ tát, A La Hán và chúng sanh phàm phu, hướng dẫn tất cả chín cõi nhập tri kiến Phật.
2. Nhân Vật :
* Tiểu Sử :
Căn cứ vào kinh Văn thù Sư Lợi Bát Niết Bàn, thì Bồ tát này đã sanh vào nhà Bà La Môn Phạm Đức, ở tụ lạc thuộc nước Xá Vệ. Khi Bồ tát thị hiện, ngôi nhà bỗng hóa thành hoa sen. Điều đặc biệt là Bồ tát cũng sanh từ hông phải. Và sau đó đã xuất gia, học đạo với đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Tuy nhiên, kinh này không nói rõ thời gian và niên đại xuất hiện của Bồ tát nên cũng khó xác chứng cụ thể. Vì vậy, nhân vật trên có phải là Bồ tát Văn Thù được giới thiệu trong các kinh Đại Thừa hay không vẫn còn là câu hỏi dành cho các nhà sử học Phật giáo
* Truyền Thuyết :
Đứng ở góc độ truyền thuyết và đã được ghi lại trong Thánh Điển, thì cho rằng: xưa –Bố tát Văn Thù khi chưa thành đạo, Ngài là con thứ 3 của vua Vô Tránh Niệm, tên là Vương Chúng Thái tử.Nhờ sự khuyên bảo của phụ vương, trong ba tháng hạ, thái tử đã phát tâm cúng dường Phật Bảo Tạng và tăng chúng. Thuở ấy có quan đại thần tên là Bảo Hải thấy vậy mới khuyên thái tử rằng: “Nay điện hạ đã có lòng tu phước đức, tạo nghiệp thanh tịnh, vậy hãy vì tất cả chúng sanh mà cầu trí tuệPhật; đồng thời đem công đức đó hồi hướng lên Vô Thượng Bồ Đề, thì chẳng có phước đức nào sánh bằng được.
Qua lời khuyên đó thái tử liền hướng về chắp tay bạch với Đức Phật và phát 25 lời thệ nguyện.Trong 25 lời thệ nguyện đó chúng ta thấy bao hàm ý nghĩa với mục đích là lấy chúng sanh làm đối tượng hóa độ, lấy sự viên mãn những công hạnh cầu trí tuệ Phật và quả vị Vô Thượng Bồ Đề. Hoặc còn gọi là “Thành tựu chúng sanh, Tịnh Phật quốc độ” (nói theo kinh Duy Ma). Và chính khi thái tử phát ra 25 thệ nguyện, Đức Phật Bảo Tạng đã khen ngợi rằng: “Hay thay! Hay thay! Ngươi là đại trượng phu, trí tuệ sáng suốt, tỏ biết mọi lẽ, phát nguyện rất lớn và rất khó khăn; làm những việc công đức rất sâu rộng không thể nghĩ bàn. Chính ngươi là bậc đại trí tuệ nhiệm mầu, mới làm đặng mọi việc như vậy”. Rồi Đức Phật Bảo Tạng đã đặt hiệu cho thái tử là Văn Thù Sư Lợi. Sau vô lượng hằng sa kiếp sẽ thành Phật hiệu là Phổ Hiện Như Lai (còn gọi là phổ kiến) làm bậc đạo sư ở thế giới thanh tịnh vô cấu bảo chân thuộc phương Nam.
Bên cạnh đó, còn có truyền thuyết cho rằng: “Bồ Tát Văn Thù là một vị cổ Phật, thành Phật đã vô số kiếp. Về qúa khứ, Ngài là Phật Long Chưởng thượng tôn vương Như Lai”. Song hiện tại sở dĩ Ngài hóa thân thành một vị Bồ tát là vì phương tiện tùy cơ ứng hóa, cứu độ chúng sanh, hộ trợ đức Phật Thích Ca Mâu Ni truyền bá chánh pháp. Như thế, đủ thấy Bồ Tát Văn Thù là vị đã đạt đến cảnh giới ứng thân vô ngại. Hay nói cách khác, từ phẩm tính và trí tuệ siêu việt đã đẩy nhân cách Văn Thù Sư Lợi lên bậc mô phạm về trítuệ, liễu đạt pháp. Do đó, trong hàng Bồ Tát Ngài luôn là bậc thượng thủ không những hướng dẫn nhận thức của Bồ Tát mà còn giúp các vị A La Hán và chúng sanh phàm phu thể nhập thực tại tuyệt đối siêu việt của tất cả pháp.
* Hình Ảnh Biểu Trưng :
Trong Phật giáo, nhất là Phật Giáo Đại thừa, những nhân vật và hình tượng, ngoài ý nghĩa lịch sử, truyền thuyết, nó còn mang tư tưởng triết học, ẩn dụ và biểu trưng. Người học Phật chúng ta nếu không nắm bắt được tinh thần này, thì chắc chắn sự nhận thức sẽ dễ rơi vào định kiến, cực đoan và bị các quan niệm tôn giáo hữu thần đồng hóa. Ở đây Bồ tát Văn Thù ngồi trên con sư tử xanh đều có những tính cách ẩn dụ và biểu trưng. Thế thì, Bồ tát Văn Thù Sư Lợi là biểu trưng cho ý nghĩa gì ? Căn cứ vào sự luận giải của các vị cổ đức, chúng ta thấy rằng: Bồ tát Văn Thù là tiêu biểu cho căn bản trí hay nói cách khác là biểu thị cho trí, tuệ, tâm chứng. Căn bản trí là trí tuệ nhận thức các pháp, thấy được tính bình đẳng không hai, chứng đắc thật tướng. Lại nữa, tay cầm kiếm là tượng trưng cho trí tuệ sắc bén. Hình ảnh con sư tử xanh là biểu thị cho uy lực của trí tuệ. Vì con sư tử xanh là loài thú chúa ở rừng xanh, có sức mạnh và uy lực hơn tất cả các loài thú khác. Cho nên, lấy con sư tử để biểu trưng cho năng lực vô cùng của trí tuệ. Đó cũng là trí của Phật. Bồ tát Văn Thù nhờ trí này nên đã chuyển hóa những vô minh, phiền não, những ý niệm chấp ngã, pháp trở về vô lậu và chứng chân thật tính.
Điều này được chứng minh qua kinh Thủ Lăng Nghiêm, như khi Ngài A Nan bị Ma Đăng Già, đức Phật đã bảo Bồ tát Văn Thù đem thần chú đến để cứu giải. Ở đây chúng ta thấy tại sao đức Phật không sai vị Bồ Tát khác mà lại bảo Bồ tát Văn Thù. Trên cơ sở đó chỉ có ý nghĩa đơn giản là nhờ trí tuệ siêu việt của Bồ tát Văn Thù mới có khả năng chuyển hóa được tất cả những tâm lý mê lầm lúc ấy của ngài A Nan.
Hơn nữa, trong kinh Pháp Hoa, khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni hiện thần biến tướng để thuyết giảng diệu pháp, thì chính Bồ tát Di Lặc cũng phải hỏi Bồ tát Văn Thù về ý nghĩa này. Do đó, chỉ có đại trí mới thấu suốt được sự diễn bày của đức Phật. Và để chứng minh thêm về năng lực nhận thức của trí tuệ qua kinh Duy Ma Cật. Đó là khi Bồ tát Văn Thù đến thăm bệnh, Duy Ma Cật chào rằng: “Qúy hóa thay ! Ngài Văn Thù Sư Lợi mới đến, tướng không đến mà đến, tướng không thấy mà thấy”. Ngài Văn Thù Sư Lợi nói: “Phải đấy cư sĩ ! Nếu đã đến tức là không đến, nếu đã đi tức là không đi. Vì sao ? Đến không từ đâu đến, đi không đi về đâu, hễ có thấy tức là không thấy".
Qua sự đối đáp đó, các Ngài đã thể hiện dạng ngôn ngữ vượt ngoài phạm trù, tư biện. Và với những bậc đại sĩ bao giờ cũng hiểu lòng nhau. Ở đây, xa hơn thế nữa là Bồ Tát Văn Thù đã đồng cảm với cư sĩ Duy Ma Cật trên cái nhìn toàn diện về bản thể chân thật của thân tâm và thế giới hiện tượng. Sự nhận thức như vậy, tất nhiên phải vượt lên trên mọi trú chấp về ngã và hữu ngã, cũng như mọi phạm trù tư duy thường và đoạn kiến. Còn đối với nhận thức của kẻ phàm phu tiểu trí như chúng ta chắc chắn sẽ khó hiểu được diệu nghĩa ấy.