Chánh Pháp - Tượng Pháp Và Mạt Pháp

Lúc Phật còn tại thế Đạo Phật vốn là lẽ sống chân thực của người giác ngộ, sau khi Phật nhập diệt thì tính chất sống đạo dần dần phai nhạt và đã biến thành tôn giáo nặng tính triết học siêu hình, rồi càng về sau tính tôn giáo cũng mai một dần và phần lớn đã bước qua giai đoạn tín ngưỡng. 


- Giai đoạn đầu là Chánh Pháp,
- Giai đoạn 2 là Tượng Pháp,
- Giai đoạn 3 là Mạt Pháp.

Trong thời mạt pháp đạo Phật đã trở thành tín ngưỡng đầy mê tín và cố chấp tông môn (mạt là chia thành nhiều nhánh ngọn, nhiều tông môn hệ phái), do đó sự kỳ thị tông môn là điều không tránh khỏi của những người cố chấp và mê tín.

Nếu con hiểu đạo Phật Nguyên Thủy là lẽ sống giác ngộ thì chỉ cần trở về trọn vẹn trong sáng với chính mình thì con sẽ sống trong sáng suốt, định tỉnh, trong lành. Đó chính là sống đạo, và như vậy con không cần tranh chấp thị phi trong lãnh vực đức tin của tín ngưỡng.

Đừng xem Đạo Phật Nguyên Thủy là một tông phái mà nên xem đó là việc trở về với chân lý uyên nguyên của sự giác ngộ.

Phật đã dạy Kinh Kalama thật là ý nghĩa, nhất là ứng dụng cho thời Mạt Pháp này, đại ý Kinh cảnh báo là đừng vội tin mà phải lấy sự thật làm y cứ.

Có nhiều Kinh Luận được viết sớm nhất là 600 năm sau đức Phật Niết-bàn (PNB), bởi vì những Kinh Luận này không thấy ghi lại trong Pàli Nikaya thời Phật Giáo Nguyên Thủy (trong vòng 100 năm sau PNB), và cả trong Sanskrit Agama thời Phật Giáo Tiểu Thừa (từ 100 đến 600 năm sau PNB). Trong thời Chánh Pháp lời Phật dạy dài nhất là một bài kinh trong Trường Bộ Kinh (Nguyên Thủy) hoặc Trường A Hàm (Tiểu Thừa) chứ Phật không giảng Kinh nào dài thành một bộ nhiều tập. Đến thời Tượng Pháp Kinh Luận được biên soạn nhiều tập mang tính lý luận của triết học và đức tin của tín ngưỡng, mà cả hai đều dùng biểu tưởng để mô tả nên được gọi là Tượng Pháp. Vì những Kinh Luận trong thời này có 2 đặc điểm nổi bật chứng tỏ không phải đức Phật thuyết:

  • Một là Kinh dài quá chứng tỏ là được biên soạn chứ không phải thuyết trực tiếp.
  • Hai là Kinh nào cũng gán cho Phật nói Kinh này là đệ nhất, chứng tỏ do nhiều tác giả khác nhau sáng tác nên ai cũng dành "đệ nhất" về cho mình để thu hút niềm tin quần chúng!

- Vọng tưởng xuất phát từ cái ta ảo tưởng mà bản chất của nó là vô minh ái dục, vì vậy không thể đem vô minh ái dục ra trừ vọng tưởng, giống như không thể đem bóng tối để trừ bóng tối.

Cái ta có thể thiện hay bất thiện, có thể đắc thiền định dục giới, vô sắc giới... nhưng không thể trừ được vọng tưởng tà kiến, nên vẫn còn trong Tam Giới.

Ví dụ như khi tâm sân khởi lên thì đó là một hiện tượng của định luật tâm (citta niyama) xuất phát từ cái ta bất mãn với đối tượng nghịch cảnh, bây giờ cái ta lại muốn diệt sân nghĩa là cộng sân lên sân thì làm sao diệt sân được..."

Chết :

- Chết là chuyện bình thường, thậm chí chết còn là vẻ đẹp của sự sống. Mọi người đều chết đi từng sát-na, từng giây phút, thì mới có sự sống chuyển hóa không ngừng. Nếu con có xem câu chuyện Ba Vị Thần trong Vi Tiếu thì con sẽ thấy nếu sự sống cắt bỏ đi sự sinh và sự diệt thì đó mới là cái chết không còn sự sống.

Có sinh diệt mới có sự sống, không sinh diệt của tâm giác ngộ là thái độ sống trong sinh diệt mà không khởi tham sân thủ xả... còn vạn pháp thì muôn đời vẫn sinh diệt mà không rời bản chất tịch tịnh của nó..."

- Theo nguyên lý bảo toàn năng lượng thì chỉ có sự chuyển hoá từ dạng này qua dạng khác chứ không có cái gọi là hết hay không hết. Chỉ có một cái có thể hết đó là ảo tưởng, nhưng bởi vì ảo tưởng không có thật nên thực ra cũng không có gì để hết! Sống và chết là một dòng chuyển biến trùng trùng duyên khởi của nhân quả nghiệp báo mà thôi. Mọi thứ đều đang sinh ra và chết đi trong từng sát-na, vì vậy sống có nghĩa là sự chuyển dịch không ngừng của sinh và chết, chết và sinh..."

Việc Thờ Cúng :

- Kính thưa thầy, chỗ con có thờ Thiên Chúa ở tầng trệt, trong phòng trên lầu cũng có thờ. Nay bên con có thuê một chị bếp, chị bếp có thờ Phật Quan Âm, chị bếp muốn mang Phật Quan Âm theo và thờ ở phòng ngoài chị bếp ở. Theo con nghĩ việc thờ cúng là hình thức để tướng nhớ đến các Ngài thôi, nên ai muốn tưởng nhớ đến ai thì cứ tôn trọng lòng sùng tín của họ, nhưng ở chỗ con sợ không biết thờ cả 2 vị chung có bị ảnh hưởng gì không, có xảy ra lục đục trong nhà không, kính xin Thầy chỉ dạy cho chúng con. Con xin cám ơn Thầy và chúc Thầy luôn khỏe mạnh!

Trả lời:
- Đối với người thiên về đức tin thì việc thờ tượng những bậc họ sùng tín là quan trọng, do đó cứ để họ tự do thờ cúng.
Thực ra, tượng chỉ do tưởng tượng của con người nặn ra để tôn thờ theo đức tin của họ nên tượng chỉ có ý nghĩa tượng trưng chứ không thật.
Nếu có sự xung đột thì đó là do sự khác biệt về đức tin của con người chứ tượng có biết gì đâu mà xung đột. Đức Phật cũng như đức Chúa đều dạy, sống đúng tốt mới là tôn thờ các Ngài một cách cao thượng, và các Ngài không hề khuyến khích thờ tượng của họ.
Việc tạc tượng thờ chỉ là sản phẩm của đức tin cộng với trí tưởng tượng mà thôi. Nếu thờ tượng giúp người ta sống đúng tốt hơn thì cũng nên, nhưng nếu thờ để lệ thuộc vào chính sự tưởng tượng của mình thì chẳng khác nào tự kỷ ám thị để tự lừa dối mình, phải không?

- Thưa Thầy! Khi Quy Y Tam bảo, đệ tử hứa nguyện đã quy y Tam Bảo thì không quy y các vị thần thánh - vốn vẫn còn trong luân hồi. Vì vậy, giờ con không đi lễ đình, đền nữa. Nhưng không biết phải ứng xử thế nào đối với bàn thờ đã lập ở nhà trước khi quy y Tam bảo. Mà thông thường, bàn thờ ở gia đình thì thường thờ ông bà tổ tiên hoặc thổ công, chúa đất. Con xin được Thầy chỉ dạy ạ. Con cảm ơn Thầy!
 
Trả lời:
- Thờ Phật hay thờ gia tiên thực ra cũng chỉ để nhớ ơn và tỏ lòng tôn kính thôi, chứ thờ trong lòng và hành đúng pháp mới là cách thờ tốt nhất .
Thờ Thần Hoàng, Thổ Địa cũng vậy, Thần Hoàng là người khai canh đầu tiên nơi mà mình đang ở, Thổ địa cũng vậy, kính trọng và nhớ ơn họ không có nghĩa là quy y. Ngay cả quy y Tam Bảo cũng để sống (hành động nói năng suy nghĩ) theo 3 đức sáng suốt, định tĩnh, trong lành của Phật Pháp Tăng chứ không phải là quy y gì cả..."


Bài đăng phổ biến từ blog này

5 Đại Minh Vương Của Mật Giáo

8 Vị Bồ Tát Phổ Biến Trong Phật Giáo

12 Hình Ảnh Đẹp Nhất Về Hư Không Tạng Bồ Tát