Phóng Sinh Như Thế Nào Mới Đúng Chánh Pháp

Có lẽ ai cũng biết, một trong Ngũ giới cấm của người tu Phật là cấm sát sanh. Ngược lại với tâm sát hại chúng sanh là tâm Từ Bi – Bình Đẳng, người tu Phật chơn chánh cần vun bồi trưởng dưỡng gốc Từ cho thêm lớn mãi. Phóng sanh là một trong những hành động thể hiện tâm Từ nên việc phóng sanh cần phải xuất phát từ tâm trong sạch – thanh tịnh.


1. Phóng sanh đúng Pháp quý tại tâm Từ – Bình Đẳng, không cần ai biết ai hay chứng minh cho việc mình làm (Từ Bi Phóng Sinh), không phân biệt chọn lựa khi phóng sanh (Bình Đẳng Phóng Sinh). Thử hỏi nếu có Phật chứng minh thì phóng sanh, không thì chẳng lẽ không làm? Phóng sanh có điều kiện là do tâm chấp Ngã – chấp Pháp – cầu Phước mà ra, nhân-quả thường tình nhỏ hẹp.

2. Phóng sanh đúng Pháp thật đơn giản vô cùng, không câu nệ rườm rà hình thức, lễ nghi… Tâm muốn phóng sanh khởi lên liền làm mà chẳng nghĩ ngợi nhiều chi cho lao nhọc. Mua cá, chim… rồi mang ra chỗ trống, thuận tiện đảm bảo KHÔNG có người “bắt” chúng lại rồi thả. Khi thả chỉ cần tâm chí thành tịnh niệm tương tục Nam mô A Di Đà Phật là đủ rồi, không cần dài dòng câu nệ sắc tướng – Kinh văn mà chi… Tâm từ bi chơn thành khởi niệm Nam mô A Di Đà Phật khi phóng sanh ắt tự cảm ứng Chư Phật khắp 10 phương đồng hộ niệm gia trì, diệu dụng lợi lạc từ đó là bất khả tư nghì (Vô Tướng Phóng Sinh).

3. Không cầu phước đức, không vì khi có hữu sự khổ… mới phóng sanh. Phóng sanh chỉ vì lòng Từ Bi thương yêu sự sống của muôn loài vạn vật, vì “tất cả chúng sanh đều có Phật tánh nếu chí thành quy Phật phát Bồ-Đề tâm” chứ chẳng phải thương mình mà trao đổi phóng sanh thân mạng để mong cầu phước đức cho bản thân. Đó là tâm thái vị kỷ nhỏ hẹp, không đúng với tinh thần Từ Bi – Vô Ngã của nhà Phật, cần phải đoạn trừ (Vô Trụ Phóng Sinh)!

4. Không trước phóng sanh, sau giết hại chúng sanh không thương tiếc…

5. Không vì phóng sanh việc thiện mà vô tình tiếp tay cho cái xấu lợi dụng và phát triển (TRÍ HUỆ PHÓNG SANH). Để ý sẽ thấy gần chùa chiền thường có nhiều người mưu kế sinh nhai bằng cách lợi dụng Tín tâm của Phật tử phóng sanh mà “thuốc” chim, cá… để bán đi bắt lại, rồi lại bán – bắt tiếp diễn không thôi. Nếu nghĩ rằng nhân-quả công bằng, phóng sanh việc tốt mình cứ làm, “ai tu nấy hưởng, ai tạo tội ráng chịu”, chẳng cần phải nghĩ ngợi nhiều thì Tâm Từ Bi – Trí Huệ nhà Phật để ở đâu? Tâm thái hời hợt vị kỷ nhỏ hẹp như vậy, nhân quả sẽ thế nào? Sao không Trí Huệ tùy duyên khuyên răn người kiếm sống thì đừng lợi dụng Tín tâm – lòng Từ của Phật tử, đừng ác tâm hành hạ sự khao khát tự do, sự sống của loài vật để sau này phải trả nghiệp quả gông cùm nặng nề khó thoát mà hãy sống theo Chánh Nghiệp trên tinh thần Bát Chánh Đạo nhà Phật? Sao không Từ Bi thương xót – Trí Huệ nhìn sâu nhận rõ rằng tuy phóng sanh nhưng kết quả những con vật đáng thương đó có được “phóng sanh” đâu mà cái kết cuối cùng là chúng phải chịu khổ sở đọa đày vì bị “thuốc mê”, vì chịu cảnh “bán đi – bắt lại” xoay vòng không ngớt khiến hơi tàn, sức kiệt, sống không bằng chết? Để rồi phóng sanh thật chẳng “thành” như mong đợi, lại tiếp tay dung dưỡng cho người Tà Tâm lợi dụng Tín Tâm nhà Phật để Hại Vật, xét kỹ “nhân chẳng lành do thiếu Từ Bi – Trí Huệ như vậy thì quả bất thiện” lẽ dĩ nhiên là điều khó tránh, Quý Phật tử cần hết sức lưu tâm!

6. Rộng hơn, khi nhìn thấy một loài vật nào không may đã hay đang sắp chết, hãy nán mọi việc lại mà khởi Từ tâm niệm Nam mô A Di Đà Phật (có thể kết hợp niệm chú Vãng Sanh) liên tục cho đến khi chúng chết hẳn một lúc sau mới thôi. Lưu ý: tâm niệm chớ không phải miệng niệm hay tụng! Nếu tâm người niệm chơn chánh, chí thành, khẩn thiết duy chỉ vì lòng Từ Bi thương xót mà hộ niệm hồi hướng thì diệu dụng lợi lạc là bất khả tư nghì. Tu Phật chính là tu ngay từ những điều giản đơn, nhỏ nhặt thường tình trong cuộc sống thường nhật, hễ ai có tâm đều có thể làm được.

Đó là những điều cần yếu, một khi Quý Phật tử có Chánh Kiến về việc hành thiện phóng sanh thì những tồn đọng bất cập nảy sinh đi kèm ắt sẽ “tự” được giải quyết dần. Đạo Phật từ bi – trí huệ, hành được y Tánh phóng sanh như vậy mới đúng thật nghĩa phóng sanh của nhà Phật!



Bài đăng phổ biến từ blog này

5 Đại Minh Vương Của Mật Giáo

8 Vị Bồ Tát Phổ Biến Trong Phật Giáo

12 Hình Ảnh Đẹp Nhất Về Hư Không Tạng Bồ Tát