Ý Nghĩa Hình Tượng Thích Ca Tam Thánh

Thích Ca Tam Thánh hay còn được gọi là Hoa Nghiêm Tam Thánh ( vì chủ yếu được nêu trong kinh Hoa Nghiêm). Thích Ca Tam Thánh bao gồm: Đức Phật Thích Ca ở giữa, Bồ tát Văn Thù cưỡi sư tử xanh hầu bên phải và Bồ tát Phổ Hiền cưỡi voi trắng sáu ngà hầu bên trái.


* Hình Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni:

Phật Thích Ca Mâu Ni là người sáng lập ra đạo Phật. Ngài được xác nhận là có thật trong lịch sử, chính là Hoàng Tử Tất Đạt Đa Cồ Đàm của vương quốc Thích Ca, thuộc Ấn Độ ngày nay. Ngài sinh vào khoảng năm 624 TCN, là Thái tử con Vua Tịnh Phạn và Hoàng Hậu Ma Da.Theo sách sử ghi lại, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là bậc giáo chủ cõi Ta Bà. Ngài từng sống trên trái đất này và đã sáng lập ra Phật Giáo. Theo thuật ngữ Phật giáo, cõi Ta Bà (đau khổ) chính là trái đất, nơi con người đang sinh sống. Ở cõi giới này, Đức Phật Thích Ca giáo hóa chúng sinh, nên người đời tôn xưng Đức Phật Thích Ca là bậc giáo chủ cõi Ta Bà. Ngài là vị Phật lịch sử chứ không phải là một vị Phật huyền thoại.

* Hình Tượng Phổ Hiền Bồ Tát:

Phổ Hiền Bồ Tát tượng trưng cho đức hạnh tối diệu. Ngài được biết đến với Mười đại nguyện về đức hạnh và quyết tâm cứu độ hết thảy chúng sinh. Trong Mật giáo, Ngài có biệt hiệu là Phổ Nhiếp Kim Cang, Chân Như Kim Cang, tùy theo từng hội mà hình tượng Ngài mang vẻ khác nhau. Hội Vi tế thì Ngài tay trái Ngài nắm lại, đặt ngang hông, tay phải cầm kiếm bén. Ở hội Cúng dường thì hai tay Ngài nắm hoa sen, đặt trước ngực, phía trên hoa sen có kiếm bén. Có nơi Ngài được họa với thân màu bạch nhục, đầu đội mũ ngũ Phật, tay trái cầm hoa sen, trên hoa sen có kiếm bén, lửa cháy chung quanh kiếm, tay phải duỗi ra, ngón vô danh và ngón út gập lại. Ngoài ra còn có phép tu Phổ Hiền diên mạng để cầu được trường thọ. Trong phong thủy, Văn Thù Bồ Tát được coi là vị Phật Bản Mệnh cho tuổi Thìn và tuổi Tỵ.

* Hình Tượng Văn Thù Bồ Tát: 

Văn Thù Bồ Tát (phạn danh là Manjusri, Văn Thù Sư Lợi): Hán dịch là Diệu Đức, Diệu Cát Tường...Tương truyền Ngài là Thái tử con thứ ba của vua Vô Tránh Niệm thời quá khứ, có tên là Vương Chúng. Có chỗ bảo rằng trong quá khứ, Ngài phát Mười tám đại nguyện để trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật và cứu độ chúng sinh. Được Phật Bảo Tạng thọ ký sẽ thành Phật, hiệu Phổ Hiện Như Lai (Kinh Pháp Hoa quyển 9, Kinh Đại Bảo Tích quyển 60). Ngài xuất hiện trong các Kinh Hoa Nghiêm, Thủ Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Duy-ma-cật… được xem là vị trí tuệ bậc nhất trong hàng Bồ tát, thường thay Phật nói pháp, điều động hội chúng, tán thán Đức Phật sau các đoạn giảng. Ngài được họa tượng ngồi trên đài sen, đầu có năm nhục kế, tay phải cầm kiếm đang bốc lửa đưa khỏi đầu, biểu hiệu kiếm trí tuệ chặt đứt xiềng xích vô minh, phiền não, đưa đến trí tuệ viên mãn; tay trái cầm hoa sen xanh hoặc cầm kinh Phật, biểu hiệu trí tuệ sáng suốt, tinh ròng, không ô nhiễm. Trong phong thủy, Văn Thù Bồ Tát được coi là vị Phật Bản Mệnh cho tuổi Mão.

Sách Thám Huyền Ký quyển 18 ghi: “Trong các vị ấy, có hai vị thượng thủ giúp vào việc giáo hóa của Đức Phật theo ba ý nghĩa: 1) Phổ Hiền dùng Pháp giới môn nên gọi là Sở nhập, Văn Thù dùng Bát nhã môn nên gọi là Năng nhập, 2) Phổ Hiền tự tại về Tam-muội (Định), Văn Thù tự tại về Bát nhã (Tuệ), 3) Phổ Hiền biểu minh ý nghĩa Quảng đại, Văn Thù biểu minh ý nghĩa Thậm thâm. Thâm (sâu), Quảng (rộng) một đôi vậy”. Một cách khái quát, Phổ Hiền tượng trưng cho Lý và Hạnh, Văn-thù tượng trưng cho Trí và Chứng.


Bài đăng phổ biến từ blog này

5 Đại Minh Vương Của Mật Giáo

8 Vị Bồ Tát Phổ Biến Trong Phật Giáo

12 Hình Ảnh Đẹp Nhất Về Hư Không Tạng Bồ Tát