Thần Chú Vãng Sanh Và Lợi Ích Trì Chú Vãng Sanh Tịnh Độ Nghiệp Chướng Tiêu Trừ

Chú Vãng Sanh, tên gọi đầy đủ là “Bạt Nhất thiết nghiệp chướng căn bổn đắc sinh Tịnh Độ Đà La Ni”.

- Tên Phạn: Sukhāvatī-vyūha Dhāraṇī

- Tên Anh: Pure Land Rebirth Dhāraṇī

Chú Vãng Sinh được lấy từ ”Vô Lượng Thọ Kinh” (Cầu Na Bạt Đà La đời nhà Tống dịch) cùng với ”Phật thuyết A Di Đà Căn Bổn Bí Mật Thần Chú Kinh” (Tam Tạng Bồ Đề Lưu Chi dịch đời Ngụy Tấn). ”Bạt Nhất thiết nghiệp chướng căn bổn đắc sinh Tịnh Độ Đà La Ni” còn gọi là ”A Di Đà Phật Căn Bổn Bí Mật Thần Chú”.

Chú lực Thần Chú Vãng Sanh có công năng thì sẽ được tiêu tội trong muôn ngàn ức kiếp, tất cả phiền não ma chướng không dám đến khuấy nhiễu. Chú Vãng Sanh biến người tu Tâm Bồ Đề sáng tỏ như mặt trăng tròn đầy, khi mệnh chung thấy Vô Lượng Thọ Như Lai cùng vô lượng Câu Chi Bồ Tát đến nghinh đón, thân tâm vui vẻ, liền được vãng sanh Cực Lạc Thượng Phẩm Thượng sanh, chứng Bồ Tát Vị.

 


Trích:

“Kinh Niệm Phật Ba La Mật chép rằng :

Phẩm Thứ Bảy Khuyến Phát Niệm Phật Và Đọc Tụng Chơn Ngôn

Lúc bấy giờ, Ngài Phổ Hiền Đại Bồ tát bạch Phật rằng:

Thưa Thế Tôn, con nay vì thương tưởng chúng sanh nơi thời Mạt pháp, khi ấy kiếp giảm, thọ mạng ngắn, phước đức kém thiếu, loạn trược tăng nhiều, kẻ chân thật tu hành rất ít. Con sẽ ban cho người niệm Phật thần chú Đà la ni này, để thủ hộ thân tâm, nhổ tận gốc rễ nghiệp chướng trừ sạch phiền não, được mau chóng sanh về Cực lạc. Gọi là Bạt Nhất Thiết Nghiệp Chướng Căn Bản Đắc Sanh Tịnh Độ Đà la ni.

Liền nói thần chú:

“Namo Amitābhāya Tathāgatāya Tadyathā Amṛtabhave Amṛtasaṃbhave Amṛtavikrānte Amṛtavikrāntagāmini Gagana Kīrtīchare Svāhā” “Nam mô a di đa bà dạ, đá tha già đá dạ, đá địa dạ tha, a di lị đô bà tỳ, a di lị đá tất đam bà tỳ, a di lị đá tỳ ca lan đế, a di lị đá, tỳ ca lan đá, già di nhị, già già na, chỉ đá ca lệ sa bà ha.” 

Người niệm Phật phải giữ giới, ăn chay, thân khẩu ý đều phải thanh khiết. Ngày đêm sáu thời, mỗi thời tụng hai mươi mốt biến. Như vậy, diệt được các tội: Tứ trọng, Ngũ nghịch, Thập ác, và hủy báng Chánh pháp. Thường được đức Phật A Di Đà hiện trên đỉnh đầu. Hiện đời an ổn, phước lạc. Hơi thở cuối cùng, được tùy nguyện mà vãng sanh Cực lạc. Hoặc tụng đến ba chục muôn biến, liền thấy Phật ngay trước mặt mình.

 


 

Ý Nghĩa Tên Gọi Chú Vãng Sanh

Xưa nay, phần lớn những hành giả tu tập pháp môn Tịnh độ thường trì niệm thần Chú Vãng Sanh theo phiên âm tiếng Hán. Chúng ta có thể trì niệm theo nguyên văn tiếng Phạn (đã phiên âm) và tìm hiểu đôi chút về tên gọi của thần chú này.

“Bạt Nhất Thiết Nghiệp Chướng Đắc Sinh Tịnh Độ Đà La Ni”

Bạt Nhất Thiết Nghiệp Chướng

Bạt vốn có nghĩa là đánh tan đi, ở đây, nó còn có nghĩa là nhổ ra và vất ra. Đọc chú để đánh tan đi tất cả những nghiệp chướng mình đã gây ra.

Nghiệp chướng chính là những chuyện không hay chúng ta đã làm do lầm lỡ hoặc cố tình. Sau một thời gian, nghiệp chướng này sẽ trở thành hậu quả xấu và gây ra trở ngại xấu cho con đường phía trước của người tạo nghiệp. Ví dụ như chúng ta làm người khác khổ để mình được vui trước, sau này quả báo tới làm ta khổ.

Những nghiệp chướng ta đã gây ra trước sau gì cũng sẽ gặp những chướng ngại gọi là quả báo, khiến chúng ta phải khổ sở, không thể vui vẻ, không thể phát triển. Vì vậy, đọc chú này sẽ giúp những chướng ngại này mất đi.

Đắc Sinh Tịnh Độ Đà La Ni

Ở đây Đắc sinh tịnh độ có thể hiểu theo hai nghĩa. Nghĩa đầu tiên được hiểu là ngay bây giờ, ngay lúc này, tuy chúng ta vẫn ở còn ở cõi người, chưa lên vùng cực lạc nhưng vẫn có thể cảm nhận được sự nhẹ nhàng, an lạc trong tâm.

Sự tịnh độ đó là tịnh độ được thực hiện ngay bây giờ. Ý nghĩa thứ hai của đắc sinh tịnh độ là ta khi ta không còn sống ở cõi trần nữa ta sẽ  được lên miền cực lạc.

Vì vậy, ngay cả khi vẫn còn sống, chúng ta cũng có thể tịnh độ trong sự an tĩnh của lương tâm. Khi chết đi ta sẽ được tới miền cực lạc, tới thế giới của Đức Phật.

Ý nghĩa Chú Vãng Sanh

Vãng Sanh Quyết Định Chơn Ngôn hay Vãng Sanh Tịnh Độ Thần Chú là mật ngôn được trì niệm phổ biến trong các khóa lễ Tịnh độ, cầu siêu. Thần chú này có công năng phá trừ tất cả nghiệp chướng căn bản, để được vãng sanh về Cực lạc.

Chú vãng sinh này có thể coi là một chú dùng nhiều nhất và người Việt Nam chúng ta đi chùa, ai cũng học chú này. Thường chúng ta chỉ nghĩ chú này đọc lúc mình sắp chết hoặc đọc với hy vọng mình được vãng sinh.

Khi ta chết rồi sẽ lên cõi trên, cõi cực lạc trên kia. Thành ra khi sống, ta cũng có tịnh độ ngay trong tâm an tịnh; khi chết sẽ tới chỗ được gọi là thế giới của đức Phật A Di Đà.

Ngoài ra, Chú Vãng Sanh còn có tên là Chú Khai Triển Quang Minh Nội Tại, Quang Minh Tự Tánh, là Chú Triển Khai Tự Tánh Quang Minh.

Tại sao chú đó có nhiều tên như vậy? Bởi vì thực sự chú đó do đức Phật A Di Đà nói, có đặc tính làm cho vô lượng quang minh của mình mở ra. Vô lượng quang minh là bản tánh của mình, lúc nào mình cũng có quang minh này, lúc nào cũng có sự sáng suốt đó.

Sự sáng suốt đó nằm trong những chuyện như khi thấy một người nào, ta động lòng trắc ẩn, thương người đó. Đó là một tình thương mà mình cứ cho ra. Vì có lòng thương, sự trắc ẩn đó, ta cho ra, tình thương đó đúng là tình thương, và được gọi là vô lượng quang minh.

Ta thấy có những người làm lỗi lầm, nhưng ta vẫn tha thứ cho họ. Ta tội nghiệp họ, chấp nhận họ nên tha thứ họ. Sự tha thứ đó cũng là vô lượng quang minh.

 

Vô lượng quang minh lan tỏa khắp mọi nơi có đúng không? Chúng ta có một giới hạn, qua giới hạn đó thì gọi là vô lượng. Ta thương người đó, nhưng họ nói vài ba câu chọc phá khiến ta tức giận; ta không thương hoặc thương họ ít đi. Như vậy có nghĩa là tình thương của chúng ta không phải là tình thương vô điều kiện.

Nếu họ cứ tiếp tục chọc phá, thách đố mình, tình thương của mình dành cho họ sẽ nhỏ thêm nữa, hay mình không nói chuyện với họ ba ngày, một tuần, hay bỏ đi. Tình thương của chúng ta càng ngày càng thu nhỏ lại và là tình thương có điều kiện; không thực sự là chúng ta có tình thương. Tình thương đó có hạn định và có thể nói thật ra đó là chúng ta thương chính mình, chẳng thương ai đâu.

Vô lượng quang là sao? Ví dụ bây giờ mình có tình thương, mình thương người đó. Họ nói nặng mình một câu, mình giận hai ba phút, xong làm lành lại. Chúng ta vượt qua giới hạn bản ngã của mình và chấp nhận họ.

Nhưng hai ba ngày sau, họ lại nói ta một câu, thách đố ta. Bây giờ thay vì thu hẹp lại, ta đã chấp nhận họ, nên lòng ta lại mở ra thêm một chút nữa. Dù bị thách đố, ta vẫn cười vui, ôm họ vào lòng, lòng ta càng ngày càng mở lớn hơn. Việc cõi lòng không ngừng mở rộng đó được gọi là vô lượng, và tình thương được gọi là quang minh.

Nhiều người đã nghĩ rằng khi tu thì quang minh đó phải là ánh sáng. Không phải vậy! Thật ra quang minh đó là tình thương, là sự chấp nhận, là sự quan hoài, là sự ấm áp mà ta truyền cho người khác.

Khi đọc chú vãng sinh, chúng ta phải đọc làm sao để càng đưa ra, càng lan tỏa ra sự ấm áp, càng gởi tới, càng làm cho những ngưòi xung quanh từ từ cảm nhận được tình thương và sự vô hạn định.

Đây không phải là một việc dễ nhưng cũng không khó. Không dễ bởi vì bản ngã ta cứng quá; không khó mà cũng không dễ bởi nhiều khi ta thấy mình có nhiều giới hạn. Biết vậy ta sẽ cố gắng cải thiện, thay đổi.

Từ từ ta sẽ thấy cuộc đời mình thay đổi. Sự hiểu biết đó giúp chúng ta trì chú vãng sinh tới đâu, linh nghiệm tới đó, bởi chúng ta biết rằng chúng ta không mê tín. Chúng ta không phải cầu xin đi tới một chỗ nào mà nên có tịnh độ ngay từ bây giờ, để tới một   chỗ tịnh độ mai sau khi mình chết.

Bây giờ mỗi ngày chúng ta đang xây một tịnh độ trong lòng, mỗi ngày chúng ta có sự an lạc, nên sau khi chết, chúng ta sẽ tới cõi an lạc.

 


 

Bài Phát Nguyện cầu vãng sanh Tịnh Độ

Bài Phát Nguyện cầu vãng sanh Tịnh Độ của Liên Trì Đại Sư:

Cúi lạy phương Tây cõi An Lạc

Tiếp dẫn chúng sanh Đại Đạo Sư,

Nay con phát nguyện, nguyện vãng sanh

Nhờ lượng từ bi thương nhiếp thọ!

Nay con khắp vì, bốn ân ba cõi, pháp giới chúng sanh, cầu đạo Bồ Đề, Nhất Thừa của Phật; Chuyên tâm trì niệm, hồng danh muôn đức, Phật A Di Đà, nguyện sanh Tịnh Độ. Lại bởi chúng con, nghiệp nặng phước khinh, chướng sâu huệ cạn, nhiễm tâm dễ động, tịnh đức khó thành. Nay đối Từ Tôn, kính gieo năm vóc, bày tỏ một lòng, chí thành sám hối.

Con và chúng sanh, khoáng kiếp đến nay, mê bản tịnh tâm, buông tham sân si, nhiễm dơ ba nghiệp; Vô lượng vô biên, tội cấu đã gây; Vô lượng vô biên, nghiệp oan đã kết, nguyện đều tiêu diệt. Nguyện từ hôm nay, lập thệ nguyện sâu, xa lìa pháp ác, thề không còn tạo. Siêng tu đạo thánh, thề chẳng biếng lui, thề thành chánh giác, thề độ chúng sanh. Xin đức Từ Tôn, dùng nguyện từ bi, chứng biết lòng con, thương xót đến con, gia bị cho con.

Nguyện khi thiền quán, hoặc lúc mộng mơ, được thấy thân vàng, A Di Đà Phật; Được chơi cõi tịnh, của đấng Đạo Sư, được nhờ Từ Tôn, cam lộ rưới đầu, quang minh chiếu thể; Tay xoa đảnh con, áo đắp thân con, khiến cho chúng con, chướng cũ tự trừ; Căn lành thêm lớn, mau tiêu phiền não, chóng phá vô minh; Viên giác tâm mầu, sáng bừng mở rộng, tịch quang cảnh thật, thường được hiện tiền.

Chú ý

Phàm lời phát nguyện cầu vãng sanh Tịnh Độ, phải từ trong thâm tâm khẩn thiết nói ra. Nếu chỉ tùy tiện đọc cho xong, lòng không khẩn thiết, tất hạnh niệm Phật cũng khó chân thành.

 Ấn Quang pháp sư đã bảo: “Thành khẩn là yếu tố để đi đến nhất tâm bất loạn. Có một phần thành khẩn, tiêu một phần tội nghiệp, sanh một phần phước huệ. Có mười phần thành khẩn, tiêu mười phần tội nghiệp, sanh mười phần phước huệ.” Người xưa cũng nói: “Thành tâm sở chí, kim thạch vị khai”; Ý nói: Sức thành khẩn hướng đến đâu, có thể chẻ núi phá vàng đến đó.

 

Bài đăng phổ biến từ blog này

5 Đại Minh Vương Của Mật Giáo

8 Vị Bồ Tát Phổ Biến Trong Phật Giáo

12 Hình Ảnh Đẹp Nhất Về Hư Không Tạng Bồ Tát