Tiêu Tai Cát Tường Thần Chú – Tiêu Trừ Tai Nạn – Thành Tựu Cát Tường

 


Tiêu Tai Cát Tường Thần Chú có tên tiếng Phạn là: Santika Sriya Dharani.  “Tiêu Tai Kiết Tường Thần Chú” được Đức Phật nói trong “Kinh Xí Thạnh Quang Đại Oai Đức Tiêu Tai Cát Tường Đà La Ni” là bộ Kinh Gốc được nói ra tại Trì Viên Tinh Xá điều này được chép lại trong Đại Tạng Kinh.

Đức Phật chỉ dạy về oai đức to lớn của Thần Chú giúp tiêu tan được mọi tai ách. Ai tụng sẽ được an lành tốt đẹp. Thần chú có ý nghĩa giúp tiêu trừ tai nạn và đạt được thành tựu cát tường. (Tiêu tai: Tiêu trừ tai nạn, Cát tường: Thành tựu cát tường)

 “Hỡi ánh lửa rực rỡ của Như Lai Vô Kiến Đảnh Tướng đã thiêu cháy mọi năng chấp, sở chấp hãy tỏa sáng rực rỡ khiến cho con được an trú trong sự gia trì này nhằm phá tan sự trì độn chậm chạp của Nội Chướng và Ngoại Chướng. Đồng thời khiến cho con dứt trừ được mọi tai nạn, thành tựu tất cả những điều tốt lành.”

Như Lai Vô Kiến Đảnh Tướng Là Gì?

Đức Phật – con người toàn diện, không chỉ về mặt trí tuệ, đức hạnh mà còn về mặt hình thể. Các kinh điển Nam truyền cũng như Bắc truyền đều có nói đến 32 tướng tốt của đức Phật một cách đầy đủ, những tướng này được phát hiện lúc mới đản sanh.  Tướng cao quý thứ nhất là ‘Vô kiến đảnh tướng” nằm ở đỉnh đầu Phật phóng hào quang màu vàng

Chỉ tướng nhục kế trên đảnh đầu Phật. Vì đảnh đầu Phật có thịt dồn lên như hình búi tóc nên gọi là Nhục Kế. Từ nhục kế tỏa ra hào quang vô lượng, ngay cả những vị Thập Địa Bồ Tát chỉ thấy nổi được một phần, ngoài ra không ai thấy được tướng trạng của nhục kế nên gọi là “vô kiến đảnh tướng”.

Trong kinh Bảo Tích có ghi ngài Mục Kiền Liên ỷ vào sức thần thông bay lên không trung vượt qua vô lượng thế giới để nhìn cho rõ đảnh tướng của Phật Thích Ca, nhưng Ngài vẫn không thấy được.

Vô kiên đảnh tướng ở đỉnh đầu là đức tướng hay tướng đại nhân. Phật được tôn xưng là bậc đại nhân vì Ngài cảm hóa người bằng đức hạnh, bằng tình thương bao la, bằng lòng kính trọng bình đẳng. Phật hiện hữu trên cuộc đời, thuyết pháp, giáo hóa chỉ vì chúng sanh, tất cả cho chúng sanh. Tấm lòng Phật bao dung muôn loài, có sức thu hút mọi loài đến với Ngài.

Trên bước đường tu theo Phật, chúng ta từ tiểu nhân tiến lên trung nhân và thành đại nhân. Tiểu nhân chỉ biết mình và lo cho mình. Trung nhân vừa lo cho mình và lo cho người. Hàng đại nhân không bao giờ nghĩ đến mình, chỉ vì mọi người.

Ý Nghĩa Tiêu Tai Cát Tường Thần Chú

Theo Thầy Thích Thiện Thuận bàn về ý nghĩa Tiêu Tai Cát Tường Thần Chú như sau:

Ý Thứ Nhất Của Tiêu Tai Cát Tường Thần Chú

“Hỡi ánh lửa rực rỡ của Như Lai Vô Kiến Đảnh Tướng đã thiêu cháy mọi năng chấp, sở chấp hãy tỏa sáng rực rỡ khiến cho con được an trú trong sự gia trì này nhằm phá tan sự trì độn chậm chạp của Nội Chướng và Ngoại Chướng.”

“Ánh lửa của Như Lai” là ánh sáng rực rỡ phát ra từ Vô Kiến Đảnh Tướng (Vô Kiến Đảnh Tướng là Tướng ở trên đầu, là 1 trong 32 tướng tốt của Đức Phật, không nhìn thấy được nên gọi là Vô Kiến Đảnh Tướng) của Như Lai.

Từ Vô Kiến Đảnh Tướng này mới phát ra ngọn lửa trí tuệ phá tan bóng tối của sự vô minh. ánh sáng tuệ giác, lửa của giác ngộ, Đức Phật phóng ánh sáng của Vô Kiến Đảnh Tướng để thiêu cháy mọi  năng chấp và sở chấp. Bớt chấp ngã, bớt đối đãi, bớt khổ.

  • Năng chấp: Tự mình khởi lên chấp
  • Sở chấp: Hoàn cảnh bên ngoài làm mình bị kẹt
  • Vì Năng Chấp và Sở Chấp khiến mình đau khổ. Do có Năng Chấp và Sở Chấp mà ta có chướng ngại.

Sở dĩ Đức Phật nói bài kinh này và câu thần chú này là vì đại sự Nhân duyên Đức Phật muốn giúp cho chúng sanh vượt qua được tất cả chướng nạn khổ ách để thành tựu tốt đẹp bắt buộc dạy chúng sanh diệt trừ ngã chấp, vượt qua đối đãi thì Đức Phật phải hiện lên tướng Vô Kiến Đảnh Tướng.

Đức phật khai thị cho chúng ta thấy Khổ là do chấp trước Khổ đau trong cuộc đời này, tai nạn trong cuộc đời này đều do năng chấp và sở chấp mà ra.

“Nội Chướng, Ngoại Chướng”: đều là Ma chướng không có hình tướng, đều là phiền não từ tâm khởi lên.

Nội chướng là những chướng ngại từ bên trong, ngoại chướng là chướng ngại từ bên ngoài nó tác động đến chúng ta. Ma chướng là những cái mang tính cách ngăn cản ta hướng đến điều tốt.

Ví như gặp điều vui vẻ thì sinh tâm vui vẻ, gặp điều xấu thì thì sinh tâm phiền não. Do đó, phải giữ tâm an định, đừng để nó chi phối mình nhiều, dùng tâm bình tĩnh mới có thể tránh khỏi nội chướng và ngoại chướng.

Ai cũng có nội chướng và ngoại chướng. Năng lực có sẵn trong chúng ta, ngoài công phu tu hành trong chúng ta thì không có cách nào vượt qua được Ma chướng.

Ý Thứ 2 Của Thần Chú Tiêu Tai

Cũng không nằm ngoài ý thứ nhất của Thần Chú “Đồng thời khiến cho con dứt trừ được mọi tai nạn, thành tựu tất cả những điều tốt lành.”

Đức Phật nói thêm để điều phối về nội chướng, ngoại chướng…thì có 1 cách duy nhất là khởi tâm tinh tấn tu hành, đối với những điều bất thiện không nên tham gia, còn những điều thánh thiện cố gắng phát huy, nếu chưa phát huy thì làm sao cho nó nảy mầm, cái đó gọi là Tứ Chánh Cần.

Nó không phải là kinh tụng nhưng là bài học để thực tập ở mọi lúc mọi nơi. (Gọi Tứ Chánh Cần là Kinh điển tối thượng thừa của Đại Bồ Tát thực hiện mà không cần chuông mõ). Ví dụ khi tiếp chuyện với người khác nghe 1 điều khó chịu mà mình định nói 1 điều gì đó để đối phó lại, thì thực hiện Tứ Chánh Cần là không nói nữa.

Kinh điển thượng thừa Tứ Chánh Cần để giúp cho tâm ổn định lại không bị dao động bởi trần duyên ngoại cảnh, cho nên bên ngoài không gây trở ngại thì tâm không phiền não, cho nên trong tâm cũng không chướng ngại, nội chướng và ngoại chướng đều dừng lại hết. Đó chính là ý nghĩa của người tu tập vượt qua được nội chướng ngoại chướng vượt qua được tai nạn khổ đau thành tựu cát tường như ý

Sự vi diệu của thần chú không phải ở việc đọc tụng kinh hàng ngày mà là ở sự nỗ lực tu tập, “không cần hình thức, chỉ cần chúng ta nhất tâm, dụng tâm chân chánh, thanh tịnh thì mới tương ứng với Vô Kiến Đảnh Tướng, không có dụng tâm đối đãi thì mới phá được chấp trước.

Năng Chấp Sở Chấp không tồn tại thì nội chướng ngoại chướng không là gì cả. Tóm lại, Tiêu Tai Kiết Tường Thần Chú có 2 ý nghĩa:

  • Ý thứ nhất, cầu sự gia trì của Đức Như Lai, gia trì cho chúng ta có thêm nghị lực để chúng ta có thể đập tan đi tất cả mọi chướng ngại do chúng ta chấp trước mà gây ra phiền não trong cuộc đời này để biến thành những tai nạn thảm khốc làm cho chúng ta phiền muộn, đau khổ không nguôi
  • Ý thứ hai: Chúng ta nỗ lực tu tập sự định tĩnh để có thể đối cảnh, không bị cảnh chi phối trong tâm, không khởi lên những ý niệm phiền não, ngoại không bị cảnh chi phối, trong tâm không loạn động bởi những phiền não.

Tâm đại định như thế giúp chúng ta vượt qua mọi chướng ngại của nội ngoại chướng tức là ma chướng bên trong và bên ngoài. Tâm của chúng ta sẽ bình yên, ngay cảnh giới đó chúng ta thoát khỏi những nạn kiếp khổ đau phiền muộn và chúng ta được an lạc giải thoát.

 Đây chính là 2 phần trì tụng và thực hành của thần chú tiêu tai. Do đó, bạn đọc có thể trì tụng tiêu tai cát tường thần chú ở đâu cũng được, lúc nào cũng đọc được.

Tiêu Tai Cát Tường Thần Chú

Tiêu Tai Cát Tường Tiếng Phạn

 Namah Samanta Buddhanam Apratihatasa Sananam Tadyatha: Om Kha Kha Khahi Khahi Hum Hum Jvala Jvala Prajvala Prajvala Tista Tista Sitiri Sitiri Sphati Sphati Shantika Sriye Svaha.

Tiêu Tai Cát Tường Tiếng Việt

Dịch âm Việt:

 Nẵng mồ tam mãn đa, Mẫu đà nẫm, A bát ra để, Hạ đa xá ta nẵng nẫm, Đát điệt tha. Án, khư khư, khư hứ, khư hứ, hồng hồng, Nhập phạ ra, nhập phạ ra, Bát ra nhập phạ ra, bát ra nhập phạ ra, Để sắc sá, để sắc sá, Sắc trí rị, Ta phấn tra, ta phấn tra, Phiến để ca, Thất rị duệ, xóa ha.

Dịch Nghĩa Tiêu Tát Cát Tường Thần Chú

 Hỡi ánh lửa rực rỡ của Như Lai Vô Kiến Đảnh Tướng đã thiêu cháy mọi năng chấp, sở chấp hãy tỏa sáng rực rỡ khiến cho con được an trú trong sự gia trì này nhằm phá tan sự trì độn chậm chạp của Nội Chướng và Ngoại Chướng. Đồng thời khiến cho con dứt trừ được mọi tai nạn, thành tựu tất cả những điều tốt lành.

Công năng: Giải tất cả các tai họa do vận, hay các sao xấu chiếu Mệnh, biến hung thành cát.

Trì chú: Trì 108 biến trong vòng 21 ngày hay 3 tháng hay 1 năm, hoặc suốt đời.

Sắm sửa trái cây 5 màu, hương hoa nhang đèn, trì chú này 108 biến,  mỗi 7 ngày, 14 ngày, 21 ngày, 49 ngày hay 108 ngày…thì không có tai họa (nếu có cũng không đáng kể).

Nghi thức trì chú

  • Tịnh pháp giới và tịnh tam nghiệp
  • Tịnh Pháp giới chân ngôn: Úm lam xóa ha (3 lần).
  • Tịnh tam nghiệp chân ngôn: Úm ta phạ bà phạ, truật đà ta phạ, đạt mạ ta phạ, bà phạ truật đồ hám (3 lần).

Nguyện hương

Nguyện đem lòng thành kính, gửi theo đám mây hương, phảng phất khắp mười phương, cúng dường ngôi Tam Bảo. Thề trọn đời giữ Đạo, theo tự tánh làm lành, cùng pháp giới chúng sanh, đồng tròn thành Phật Đạo.

(Nếu trì tụng trước bàn thờ thì đọc, còn nếu không hành lễ trước bàn thờ không đốt nhang thì có thể miễn)

Tiêu Tai Cát Tường Thần chú

Nẵng mồ tam mãn đa, Mẫu đà nẫm, A bát ra để, Hạ đa xá ta nẵng nẫm, Đát điệt tha. Án, khư khư, khư hứ, khư hứ, hồng hồng, Nhập phạ ra, nhập phạ ra, Bát ra nhập phạ ra, bát ra nhập phạ ra, Để sắc sá, để sắc sá, Sắc trí rị, Ta phấn tra, ta phấn tra, Phiến để ca, Thất rị duệ, xóa ha. (108 lần)

Tán Phật

 1. Nguyện ngày an lành, đêm an lành 

2. Đêm ngày sáu thời thường an lành 

3. Tất cả các thời đều an lành 

4. Tất cả chúng sinh đều an lành 

5. Nguyện đức từ bi thường gia hộ 

6. Nam mô Tiêu Tai Giáng Kiết Tường Bồ Tát (đọc 3 lần từ câu 1 đến 6).

 

Hồi Hướng

Nguyện đem công đức này Tiêu Trừ nghiệp xưa nay Tăng Trưởng các phước huệ Viên thành căn thánh thiện Bao nhiêu nghiệp tham dục Bao nhiêu nghiệp sân si Bao nhiêu nghiệp Thân Khẩu Ý Đều diệt sạch không còn Quyến thuộc đồng an lạc Oan gia về Niết Bàn Cùng pháp giới chúng sinh Đồng trọn thành Phật Đạo.

Kết Luận

 “Này hư không, hãy uống cạn tất cả họa tai. Hãy làm sạch tất cả họa tai. Này sức nóng, hãy phát hỏa, phát hỏa thiêu đốt tất cả họa tai, đốt sạch tai họa. Này tinh tú, hãy xuất hiện, xuất hiện để tiêu trừ họa tai đen tối làm cho bầu trời trong sáng an lành, thật an lành. Nam-mô Tiêu tai giáng kiết tường Bồ-tát”.

 

Phật khuyên mình để tâm trống rỗng như hư không, không buồn giận lo sợ. Vì tai họa chỉ là ảo giác do mình tự nghĩ ra, nên mình để tâm trống không, nói cách khác là uống cạn tất cả họa tai thì tai họa cũng không hiện ra được, không giáng lên mình được.

Ngoài ra, tu hành, không phạm lỗi lầm thì ai bắt được mình. Mình không xâm phạm bất cứ điều gì, không thiếu nợ ai, không gây oán thù với ai, không phạm pháp, nên tâm mình rỗng rang, trống không, không phải không là không có, phải giữ tâm mình trống không thiệt thì không sợ.

Lửa của Chánh định có thể đốt sạch tất cả tai họa. Vì khi chúng ta vào thiền định, ác ma không vào được bởi đây là thế giới của Phật và Bồ-tát. Và chúng ta vào Chánh định chỉ thấy Phật, Bồ-tát vì hàng ngày, mình tụng kinh, lạy Phật đã đem Phật, Bồ-tát vào lòng, nên khi mình ngồi yên, tất cả Phật và Bồ-tát hiện ra.

 Còn nếu làm việc ác xấu, gian dối thì ngồi yên, việc ác xấu gian dối hiện ra. Vì vậy, trên bước đường tu, mình loại bỏ tất cả việc ác xấu và chỉ làm những việc tốt lành, nên ngồi yên, lắng sâu là vào thiền định chỉ thấy Phật và Bồ-tát.

 

Bài đăng phổ biến từ blog này

5 Đại Minh Vương Của Mật Giáo

8 Vị Bồ Tát Phổ Biến Trong Phật Giáo

12 Hình Ảnh Đẹp Nhất Về Hư Không Tạng Bồ Tát