Uế Tích Kim Cang Ucchusma – Lửa Trí Tuệ Đốt Cháy Phiền Não Bất Tịnh

Uế Tích Kim Cang – Ucchusma là một vị Phẫn Nộ Tôn được tôn thờ trong Mật Tông và các tự viện Thiền Tông. Ngài là giáo lệnh luân thân của Bắc Phương Yết Ma Bộ.

 


Uế Tích Kim Cang – Ucchusma Là Ai?

Uế Tích Kim Cang tên Phạn là Ucchusma, dịch âm là Ô Bộ Sắt Ma, Ô Sắt Sa Ma, Ô Sô Tháp Ma, Ô Xu Sa Ma, Ô Sô Sắt Ma…Dịch ý là : Bất Tịnh Khiết, Trừ Uế, thiêu đốt Uế Ác… Lại có tên là: Ô Mục Sa Ma Minh Vương, Ô Xu Sáp Ma Minh Vương, Ô Tố Sa Ma Minh Vương. Cũng gọi là Uế Tích Kim Cương, Hỏa Đầu Kim Cương, Bất Tịnh Kim Cương, Thụ Xúc Kim Cương, Bất Hoại Kim Cương, Trừ Uế Phẫn Nộ Tôn….

Trong Ấn Độ giáo, từ ngữ Ucchusma nhằm chỉ vị Thần Lửa AGNI với ý nghĩa “Làm cho tiếng lửa kêu lốp bốp”. 

Trong Phật Giáo, Ucchusma là một trong các Tôn phẫn nộ được an trí trong viện chùa của Thiền Tông và Mật Giáo.

Riêng Mật Giáo thì xem Ucchusma là Vị Kim Cương biểu hiện cho Giáo Lệnh Luân Thân (Ādeśana-cakra-kāya) của Yết Ma Bộ (Karma-kulāya: Nghiệp Dụng Bộ) thuộc phương Bắc cùng với Kim Cương Dạ Xoa (Vajra-yakṣa) cũng là Giáo Lệnh Luân Thân (Ādeśana-cakra-kāya) của Đức Bất Không Thành Tựu Như Lai (Amogha-siddhi tathāgata) có Luân đồng thể và khác thể.


 Nói về đồng Thể thì hai Tôn này đều là Thân Đại Phẫn Nộ nhằm giáo hóa các chúng sinh khó độ. Đây là phương tiện thi hành hạnh “chuyển mọi việc của Thế Gian thành phương tiện giải thoát” biểu hiện cho Đại Nguyện thuần khiết của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Śākyamuṇi-buddha) là “Rời bỏ quốc thổ thanh tịnh đi vào cõi ô uế nhiễm trược để thành tựu sự hóa độ các chúng sinh ngang ngược độc ác khó giáo hóa”. 

Tính chất hoạt động phổ biến của Tâm Linh giải thoát này được gọi là Thành Sở Tác Trí (Kṛtyā-muṣṭhāna-jñāna) và cũng là hoạt động tinh yếu của Yết Ma Bộ nơi phương Bắc của Đức Bất Không Thành Tựu Như Lai. Do ý nghĩa này mà Trí Chứng Đại Sư khi thỉnh 5 Tượng Đại Phẫn Nộ Minh Vương (Mahā-krodha-vidyarāja) về Trung Hoa thì thay Tượng Kim Cương Dạ Xoa bằng Tượng Uế Tích Kim Cang.

Nói về khác Thể thì có nhiều thuyết cho rằng hai Tôn này chỉ là hai Thân hóa hiện của Đức Phật Thích Ca (tức là Bất Không Thành Tựu Như Lai) hoặc Bồ Tát Phổ Hiền (Samanta-bhadra), Bất Động Minh Vương (Acala-vidya-rāja) và Kim Cương Thủ (Vajra-pāṇi).

Nếu hành giả được Kim Cương Dạ Xoa Bồ Tát gia trì thì có thể đập nát Thiên Ma, hàng phục Địa Ma với tất cả Ngoại Đạo, trừ bỏ mọi oán địch phiền não từ đời vô thủy.

Nếu hành giả được Uế Tích Kim Cang Kim Cương gia trì thì hay chuyển uế thành tịnh, chuyển bất tịnh thành thanh tịnh, điều phục được tất cả loài Quỷ bất tịnh. Do uy đức này mà Giới Phật Giáo thường tế tự Uế Tích Kim Cang ở góc Đông trong nhà cầu và tôn xưng là Xí Thần, Thụ Húc Kim Cương, Uế Húc Kim Cương….

Do Uế Tích Kim Cang hay hóa Tâm đa dâm thành lửa Trí Tuệ, lại dùng lửa Trí Tuệ thiêu cháy mọi tướng phiền não bất tịnh mà chẳng làm hại đến Tính không phiền não (tức Pháp Tính: Dharmatā) nên Ngài có tên là Hỏa Đầu Kim Cương.

Kinh Đại Phật Đỉnh nói rằng: “Ô Sô Sắt Ma ở trước mặt Đức Như Lai, chắp tay đỉnh lễ hai bàn chân của Đức Phật rồi bạch Phật rằng: Con thường nhớ ức kiếp lâu xa khi trước, Tính của con nhiều Tham Dục thời có Đức Phật ra đời tên là Không Vương Như Lai thuyết giảng rằng “Dâm Dục nhiều sẽ thành ngọn lửa lớn” Ngài dạy con quán khắp trăm khớp xưng, bốn vóc thể, các hơi lạnh ấm. Do Thần Quang ngưng bên trong nên hoá Tâm đa dâm thành lửa Trí Tuệ (Prajñāgni). Từ đấy chư Phật đều gọi tên con là Hoả Đầu. Con do sức của Tam Muội Hoả Quang (Agni-prabha) mà thành A La Hán (Arhat) nên khởi Tâm phát Nguyện “Khi chư Phật thành Đạo thời con làm thân Lực Sĩ giáng phục Ma Oán cùng thành Phật Đạo”. Con do quán sát noãn xúc (cảm giác tiếp chạm ấm áp) của Thân Tâm lưu thông không có ngăn ngại mà tiêu trừ các sự chảy rỉ (Lậu: tên gọi riêng của phiền não). Đầu sinh ra lửa nóng, chứng Vô Thượng Giác. Do đó con nghĩ đấy là Pháp bậc nhất”.

Thầy dạy rằng: “Hoả Đầu Kim Cương tức là dùng lửa Trí Tuệ đốt cháy phiền não bất tịnh, ví như áo của con chuột lửa, khi thiêu đốt thì chỉ đốt sự nhơ uế trên áo chứ chẳng đốt cái áo. Nay Minh Vương cũng lại như thế, chỉ đốt cháy tướng của phiền não chứ chẳng đốt cháy Tính không có phiền não tức là Pháp Tính (Dharmatā) vậy.
 
Lại nữa, vị Bất Tĩnh Kim Cương là Phân Thân của Đức Thích Ca (Śākyamuṇi), vốn do Bản Nguyện của Đức Thích Ca là lìa bỏ các cõi nước thanh tịnh để cứu độ chúng sinh nơi nhiễm trược. Bản Nguyện nhiếp đất dơ uế để thành tựu sự hoá độ chúng sinh ác. Do đó nên khởi sự bền vững chính cần mà tu Khổ Hạnh lâu dài”.

Vì Uế Tích Kim Cang có Bản Nguyện là nhiếp nơi ô uế để thành tựu sự hóa độ các chúng sinh ác trong chốn uế trược khiến cho họ khởi sự bền vững, chính cần tu khổ hạnh lâu dài nên Ngài có tên là Bất Tịnh Kim Cương, Bất Hoại Kim Cương, Bất Tịnh Khiết Kim Cương.

Tôn này cũng có tên Phạn là: Ma Hạ Ma La (Mahā-bala) dịch là Đại Lực. Đại Lực là chỉ Tôn này có đủ sức Đại Từ, giống như dùng lửa rực thiêu trừ nghiệp sinh tử uế ác của chúng sinh, cho nên tên là Đại Lực.

Lại nữa khi Đức Phật chí cực giáng Ma thì phải đối trị với sự bất tịnh. Do Ma Vương thường cư trú trong thành quách ô uế bất tịnh mà Trí Lực của các Tôn Bất Động (Acala), Giáng Tam Thế (Trailokya-vijaya) chẳng thể đối trị nổi. Vì thế Đức Phật liền chuyển Pháp Quán giải về Tịnh và Bất Tịnh bình đẳng, Trí Lực của Tà Chính nhất như, chuyển tội chướng Vô Minh thành tướng hảo trang minh. 

Tức chuyển Pháp Uế Tích Kim Cang giáng phục Ma Vương mà thành Phật. Do tinh yếu về đường lối Tức Thân Thành Phật này mà Uế Tích Kim Cang có tên là Kim Cương Uế Tích (dứt trừ dấu vết của Uế Trược).


Do nhân duyên hóa hiện với truyền thừa khác nhau, hình tượng của Uế Tích Kim Cang cũng có nhiều loại tạo tượng khác nhau.

Về hình tượng có các loại: Hình phẫn nộ có 2 cánh tay, hình phẫn nộ có 4 cánh tay, hình đoan chính có 4 tay, hình có 6 cánh tay 3 con mắt, hình phẫn nộ có 8 cánh tay 3 con mắt…. Nhưng nói chung phần nhiều dựa theo hình tượng ghi nhận trong Kinh Đại Uy Lực Ô Xu Sa Ma.

Đại Uy Lực Ô Xu Sa Ma Minh Vương kinh:

“Hình đại phẫn nộ, mắt màu đỏ, toàn thân màu xanh đen, quanh thân rực lửa có 4 tay. Bên phải : tay thứ nhất cầm cây kiếm, tay thứ hai cầm sợi dây. Bên trái : tay thứ nhất cầm Đả Sa Bổng, tay thứ hai cầm Tam Cổ Xoa, trên mỗi khí trượng đều rực lửa. Quần bằng da cọp, dùng rắn làm chuỗi anh lạc. Tùy tùng theo hầu là hàng Dạ Xoa, chúng A Tu La, Ha Lợi Đế Mẫu, Ái Tử”.


Đường Bản họa tượng:

•       Hình phẫn nộ đứng trên bàn đá, hướng mặt về bên phải, há miệng có ria mép và có 8 tay. Hai tay thứ nhất tác Ấn: Đem ngón cái đè ngón giữa và ngón vô danh, duỗi thẳng ngón út và ngón trỏ, tay phải đặt bên hông trái, tay trái để bên cạnh bụng đều hướng lòng bàn tay ra ngoài.

•       Bên phải: tay thứ hai nâng cao cầm cây kiếm, tay thứ ba cầm cái chuông, tay thứ tư cầm sợi dây rũ xuống. Bên trái: tay thứ hai nâng cao cầm bánh xe 6 căm tỏa ánh lửa rực, tay thứ ba cầm cây kiếm dài, tay thứ tư rũ xuống cầm Tam Cổ Phộc Nhật La (chày Kim Cương Tam Cổ) .

•       Chân phải dơ cao như thế nhảy, chân trái đạp thẳng trên bàn đá tỏa lửa rực bên cạnh chân. Cổ đeo chuỗi anh lạc, khoác thiên y (áo khoác dài bên ngoài). Tóc trên đầu dựng đứng.



Lại theo Đường Bản thì:

“Tượng Uế Tích Kim Cương có thân thịt màu đỏ, mặt

có 3 mắt, tóc trên đầu không dựng đứng, đội mão Trời (Thiên Quan) riềm mão bay phất phới, sắc trắng như thân thường, mặt hướng về bên trái, thân có 8 tay đứng trên bàn đá . Hai tay thứ nhất tác Ấn như tay Ấn của Tượng thứ nhất. Bên trái: tay thứ hai

nâng cao tới đầu cầm cây kiếm, tay thứ hai cầm cái chuông Tam Cổ, tay thứ ba duỗi ra cầm sợi dây. Bên phải: tay thứ hai cầm vật khí giống như cái bao (có thể là cây côn) tay thứ ba co khuỷu tay hướng lên trên cầm cái chày Kim Cương Độc Cổ, tay thứ tư rũ xuống cầm cung tên. Eo quấn lụa đỏ, mặc áo cà sa màu thiên thanh, đứng trên bàn đá với 4 bên bàn đá tỏa ra ánh lửa. Bên trên Tôn , ở không trung có một vị Hóa Phật ngồi, đấy là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Tượng Ô Sô Sáp Ma Minh Vương do Trí Chứng Đại Sư thỉnh về thì có 3 mắt 6 tay, màu xanh đậm. Bên phải : tay thứ nhất co cánh tay nâng cao cầm cây côn báu (Bảo Bổng) tay thứ hai nâng cao duỗi dài cùi chỏ cầm cái chày Tam Cổ, tay thứ ba duỗi ra cầm sợi dây.Bên trái: tay thứ nhất tác Thí Nguyện Ấn, tay thứ hai nâng cao cầm bánh xe, tay thứ ba cầm tràng hạt. Các con rắn quấn quanh chân tay, dùng đầu lâu làm chuỗi anh lạc, ngồi trên hoa sen đỏ, duỗi chân phải rũ xuống.

Ô Sô Sắt Ma Minh Vương Kinh:

“Đại Uy Lực Minh Vương có toàn thân màu đen, hình phẫn nộ rực lửa. Mắt trái màu xanh biếc, tóc màu vàng dựng đứng, cắn môi dưới ló răng nanh lên trên, mặc quần da cọp, dùng rắn làm chuỗi anh lạc. Thân có 4 tay. Bên trái: tay trên cầm cái chày, tay dưới cầm sợi dây. Bên phải : tay trên đều co các ngón dựng ngón trỏ làm thế suy nghĩ, tay dưới tác Ấn Thí Nguyện. Luôn cau mày khủng bố…”

Phật Giáo Tây Tạng thờ phụng Uế Tích Kim Cương qua nhiều loại Tôn Tượng:

1.     Lam Uế Tích Kim Cương (Tôn Tượng màu xanh lam)

2.     Lục Uế Tích Kim Cương (Tôn Tượng màu xanh lục)

3.     Yên Sắc Uế Tích Kim Cương (Tôn Tượng màu khói)

4.     Hồng Sắc Uế Tích Kim Cương (Tôn Tượng màu hồng)

5.     Bạch Sắc Uế Tích Kim Cương (Tôn Tượng màu trắng)

6.     Nhị Tý Uế Tích Kim Cương (Tôn Tượng có 2 cánh tay)

7.     Phẫn Nộ Uế Tích Kim Cương

8.     Tứ Tý Đại Lực Minh Vương (Tôn Tượng có 4 cánh tay)

9.     Phẫn Nộ Uế Tích Phật Mẫu

10.   Tôn Tượng Uế Tích Kim Cương có nhiều đầu nhiều tay



Tôi nghe như vầy, một thời Đức Phật ở tại Câu Thi Na, xứ Lực Sĩ Xanh, gần bên sông Bạc Đề trong rừng Sa La Song Thọ.

Lúc bấy giờ đức Như Lai sắp nhập Niết Bàn, khi đó có vô lượng trăm ngàn vạn chúng, hết thảy trời, rồng, tám bộ người và phi nhơn … đứng chung quanh bốn phía Đức Phật than khóc buồn rầu khổ não.

Bấy giờ lại có chư Thiên, đại chúng, như ông Thích Đề Hoàn Nhơn v.v… đều đến cúng dường, chỉ có ông Lễ Kế Phạm Vương, đem chư Thiên nữ, nương ở bốn phía đoanh vây chung quanh ông mà ngồi, Thiên nữ trước sau, cả thảy ngàn vạn ức chúng cùng chung vui chơi. Nghe đức Như Lai vào cõi Niết Bàn mà không đến thăm hỏi.

Bấy giờ chư đại chúng liền nói: Ngày nay đức Như Lai vào Niết Bàn, vậy sao Phạm Vương kia không đến ư?! Vương kia chắc có tâm ngã mạn mới không đến đây. Hết thảy đồ chúng chúng ta nên sai khiến tiểu Chủ Tiên, đến nơi kia khiến họ về. Nói lời ấy rồi liền vội thúc trăm ngàn chúng Chú Tiên đến chỗ nơi ấy mới thấy các thứ bất tịnh làm thành vác. Tiên kia thấy rồi thảy đều phạm chú mà chết.

Bấy giờ đại chúng ngạc nhiên chưa từng có, lại thúc vô lượng Kim Cang cũng khiến trì chú mà đi, mãi đến bảy ngày không người tới được. Đại chúng thấy việc đó rồi, thêm phần buồn rầu.

Bấy giờ đại chúng đồng thinh mà nói kệ rằng:

 “Khổ thay Đại Thánh Tôn, Niết Bàn sao mau quá? Các trời còn quyết định, Không người được tìm kêu, Đau xót thầy cõi trời, Niết Bàn như lửa tắt.”

Bấy giờ, chư đại chúng nói kệ này rồi lại bội phần gào khóc buồn khổ thảm thiết. Lúc ấy đức Như Lai thương xót chư đại chúng liền dùng Đại biến Tri Thần Lực nơi bên tay trái của quả tim mà hóa ra Kim Cang bất hoại.

Liền từ chỗ ngồi ở trong đại chúng mà đứng dậy bạch đại chúng rằng:

Tôi có đại Thần chú, hãy thu lấy Phạm Vương kia. Nói lời ấy rồi liền ở trong đại chúng hiển bày thần thông làm cho Tam thiên đại thiên thế giới chấn động, cung trời, cung rồng cùng các cung điện quỷ thần thảy đều sụp đổ, liền tự thân bay đến chỗ Phạm Vương kia lấy tay chỉ đó, các thứ vật xú uế kia biến làm đại địa.

Bấy giờ Ngài Kim Cang bảo với người kia rằng: Ngươi thật là đại ngu si, đức Như Lai ta muốn vào cõi Niết Bàn, sao ngươi không đến? Liền lấy sức bất hoại Kim Cang mà chỉ đó, Phạm Vương phát tâm đến chỗ đức Như Lai.

Bấy giờ đại chúng khen ngợi rằng: Đại Lực Sĩ, người thật là đại thần lực mới đem Phạm Vương về đến nơi đây. Lúc đó Ngài Kim Cang liền nói rằng:

Nếu có chúng sanh nào trong thế gian bị chư Thiên ác ma hung mãnh và các ác quỷ, hết thảy các ngoại đạo làm não loạn, người ấy chỉ tụng Thần chú của ta mười vạn biến, ta tự hiện thân mà hộ hết thảy các hữu tình, tùy ý mà được viên mãn, vĩnh viễn xa lìa nghèo cùng khốn khổ, thường được an vui. Thần chú này có công năng như thế. Trước phát lời đại nguyện, niệm đức Bổn Tôn của ta: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Sau khi đức Như Lai diệt độ, nếu ai thọ trì Thần chú này thệ độ quần sanh, khiến cho Phật Pháp bất diệt, cửu trụ ở đời, phát lời nguyện ấy rồi liền thuyết Thần chú Uế tích Chơn ngôn Đại Viên Mãn Đà Ra Ni rằng:

 “Úm, bút quát hốt lốt, ma ha bát ra, ngân na ngái, vẫn trắp vẫn, vĩ hiệt vĩ, ma na thê, ô thâm mộ hốt lốt, hùm hùm phấn phấn phấn tóa ha.”

 Oṃ vajra-krodha mahābala hana daha paca mātha vi-kiraṇa vidhavaṃsaya ucchuṣma-krodha huṃ huṃ huṃ phaṭ phaṭ phaṭ svāhā OṂ (Quy mệnh) VAJRA-KRODHA (Kim Cương Phẫn Nộ) MAHĀ-BALA (Đại Lực) HANA (Đánh đập) DAHA (Thiêu đốt) PACA (Nấu thổi) MATHA (Hủy hoại) VIDHVAṂSAYA (Tồi hoại) UCCHUṢMA KRODHA (Uế Tích Phẫn Nộ) HŪṂ (Khủng bố) PHAṬ (Phá bại) SVĀHĀ (Quyết định thành tựu) Các vị Lạt Ma Tây Tạng thường dùng Tâm Chú này để tác Pháp Hộ Thân

Bấy giờ Ngài Kim Cang thuyết Thần chú này rồi lại nói nữa rằng:

Sau khi đức Như Lai diệt độ, nếu ai thường tụng Thần chú này, nếu có chúng sanh thỉnh nguyện thọ trì Thần chú đây, tôi thường vì sự sai khiến của người ấy mà làm cho họ sở cầu như nguyện. Tôi nay trước đức Như Lai mà nói Thần chú này, cúi xin đức Như Lai trong cõi Niết Bàn thấu rõ cho chúng con. Bạch Thế Tôn! Nếu có chúng sanh bị nhiều thứ quỷ, ác thần làm não loạn, trì Thần chú này đều không thể làm hại, vĩnh viễn xa lìa các khổ nạn.

 


Uy Lực Thần Chú Uế Tích Kim Cương

Bạch Thế Tôn! Nếu có kẻ trai lành và người gái tín nào muốn cứu trị lành vạn bịnh thì tụng Thần chú của con, trên bốn mươi vạn biến, thấy có các bịnh, trị đều hiệu nghiệm, không luận sạch hay dơ, tùy ý sai khiến, con thường theo gia hộ, hết thảy các sở nguyện đều được viên mãn.

Nếu muốn cây khô sanh cành lá, lấy một lượng Bạch giao hương để thoa trong tim cây, lấy cành dương chi chú trong cây một trăm biến, ngày ba thời cho mãn ba ngày, cây liền sanh hoa trái.

Nếu muốn suối khô có nước, lấy vôi sạch mà rải khắp chung quanh ấy, lấy hoa tốt bỏ vào trong ba mươi lít nước sạch ở giếng, đem để ở trong giữa lòng suối, giờ Dần buổi sáng chú 108 biến, nước liền phun ra như bánh xe quay.

Nếu muốn núi khô sanh cây cỏ, lấy dao thép bén búa bốn hướng của núi ấy, chú ba ngàn biến, mãn bảy ngày liền sanh cây cỏ.

Nếu muốn khiến loại dã thú hung mãnh đến hàng phục, lấy An tất hương, nhìn về hướng có dã thú ấy mà đốt, chú một ngàn biến, đêm lại các dã thú kia kéo nhau tụ tập trước cửa nhà của người trì chú, quy hàng hiền hậu, giống như gia súc mình nuôi vậy, tùy ý sai bảo, đời đời không xa lìa.

 Nếu muốn quỉ dạ xoa tự đến hàng phục, lấy mười nhánh đào tề cho bằng gốc, lấy năm mươi lít nước đổ vào bình sành (cái thạp) đem nấu, bỏ đào liễu ấy vào ngâm, xong lấy ra, lấy ba lượng đinh hương, ba lượng lớn nhủ đầu hương, ba lượng lớn bạch giao hương, sau cùng hòa trong năm mươi lít nước nấu đào liễu ấy liền đem đổ trong một cái chậu bể, lấy nhánh đào dài ba thước mà khuấy nước đó, tụng chú một trăm biến, hết thảy quỷ dạ xoa, la sát đều đến hiện hình, cùng người làm pháp này mà hầu chuyện, cầu xin theo làm thị giả.

Nếu muốn diệt ác tâm của các quỷ thần, độc xà, rắn rết, những mãnh thú hung dữ v.v… lấy vôi sạch rải khắp cửa hang của chúng, tự nhiên chúng chui ra, tụng chú nho nhỏ một trăm biến thì các rắn độc trùng thú kia liền diệt hết tâm độc, không dám làm tổn thương người khiến mau được giải thoát.

Nếu muốn chó dữ không cắn người, lấy một nắm cơm chú bảy biến vào cho nó ăn, vĩnh viễn không cắn người mà cũng không còn gầm sủa hung hăng.

Nếu muốn người ác đến hàng phục mình, viết tên họ người ấy để dưới bàn chân, chú một trăm biến, tâm mình nghĩ đến người kia, người kia liền đến hàng phục, bỏ hết tâm oán ghét.

Nếu muốn hàng phục người nhau, viết tên họ của hai người đó, để dưới bàn chân tụng chú hai trăm mười tám biến thì hai người ấy đời đời xa lìa, không còn thương mến.

Nếu có người ghét nhau, muốn khiến họ thương kính mến nhau, liền viết tên họ của các người ấy để dưới bàn chân tụng chú 100 lẻ tám biến thì các người ấy thương kính mến nhau, đời đời không xa lìa.

Nếu có người chưa an lạc, muốn khiến họ được an lạc cũng làm như trước, viết tên họ của người ấy dưới bàn chân, chú ba trăm biến thì người kia được an vui, nên vì người kia phát lời đại nguyện, ta đối với người ấy, khi bấy giờ liền tự đem vô lượng trân bảo ban cho người nghèo cùng, thảy được đầy đủ.

Lại phép nữa: Nếu người trì chú cầu các món trí, cầu các món huệ, chỉ tụng chú mười vạn biến tự được các món đại trí huệ và các thứ thiện mỹ, biện tài trôi chảy, tùy ý mà được, chỗ cần dùng ấy thảy đều ban cho.

Nếu người trì chú cầu các thứ trân bảo, ma ni như ý châu v.v… chỉ chí tâm tụng này, tùy theo nhiều ít, ta liền ban cho họ, được mãn sở nguyện.

Nếu muốn trị lành người bịnh thì nên kiết ấn Đốn bịnh (nước lấy tay trái, ngón trỏ, ngón giữa quấn lại với nhau) kiết ấn như vậy, chú 108 biến, lấy ấn Đốn bịnh này quơ quơ bảy lần dưới người bịnh, người ấy liền mạnh.

Bài đăng phổ biến từ blog này

5 Đại Minh Vương Của Mật Giáo

8 Vị Bồ Tát Phổ Biến Trong Phật Giáo

12 Hình Ảnh Đẹp Nhất Về Hư Không Tạng Bồ Tát