Yamantaka – Hoá Thân Phẫn Nộ Của Văn Thù Bồ Tát

 


Văn Thù Bồ Tát Là Ai?

Văn Thù Bồ Tát hay Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, tiếng Phạn là ManjuShri Bodhsattva được gọi là Mạn Thù Thất lỵ, có nghĩa là Diệu Đức, Diệu Cát Tường, Diệu Âm, Phổ Thư, Nhu Thư, Kính Thư … trong Hiển giáo thường cùng với Phổ Hiển Bồ Tát thành đôi, thường thị giả bên tả và bên hữu Phật Thích Ca Mâu Ni, chuyên giữ Môn Trí Tuệ.

Trong hàng Bồ Tát, Ngài thường được xưng là trí tuệ đệ nhất. Y theo Đại Phật Đỉnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh: Phần bản Đức Văn Thù xưa là Long Chủng Thượng Tôn Vương Phật cũng gọi là Văn Thù Phật, mật giáo gọi là Cát Tường Kim Cương hay Bát Nhã Kim Cương.

Sự tưởng biến hoá của Đức Văn Thù rất nhiều như Hài Đồng Văn Thù, Ngữ Sư Tử Văn Thù, Ngữ Vương Văn Thù, Bạch Văn Thù, Hắc Văn Thù, Hồng Văn Thù…


Thủa xưa, Ngài là con thứ ba của vua Vô Trách Nhiệm có tên là Thái tử Vương Chúng. Ngài cúng dường Phật Bảo Tạng và phát nguyện độ sinh nên được hiệu là Văn Thù Sư Lợi.

Sau khi Phật Bảo Tạng thọ ký cho Ngài phải trải vô lượng hằng hà sa số kiếp về sau, thì Ngài sẽ thành Phật ở thế giới thanh tịnh Vô Cấu Bảo Chi thuộc về bên phương Nam, hiệu là Phật Văn Thù.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát xuất hiện hầu như trong tất cả các kinh điển quan trọng của Phật giáo Đại thừa: Hoa Nghiêm, Thủ Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Duy Ma Cật…như là một nhân vật thân cận nhất của Đức Phật Thích Ca.

Ngài có lúc thì chính thức thay mặt Đức Thế Tôn diễn nói Chánh pháp, còn có lúc đóng vai người điều khiển chương trình để giới thiệu đến thính chúng một thời pháp quan trọng của Đức Bổn Sư.

Ngài thấu hiểu Phật tính bao gồm cả ba đức: Pháp thân, Bát Nhã và Giải thoát cho nên trong hàng Bồ tát Ngài là thượng thủ. Là vị Bồ tát tiêu biểu cho trí tuệ.

Yamantaka: Hàng Phục Dạ Ma Là Ai?

Yamantaka, là một hoá thân phẫn nộ của Văn Thù Bồ Tát ( Bồ Tát của trí tuệ ), Yamantaka là hoá thân phức tạp và phẫn nộ khủng khiếp nhất trong tất cả các hoá thân phẫn nộ của Phật giáo. Ở hoá thân này, Văn Thù Sư Lợi đã hàng phục được thần chết Yama, khi mà Yama đang trong cơn khát máu điên cuồng trả thù giết hại dân Tây Tạng.

 


Theo truyền thuyết, trong đại định, Văn Thù Sư Lợi đi khắp tất các nơi trong địa ngục để tìm kiếm Yama. Cuối cùng ngài đã tìm ra được nơi trú ngụ của Yama và các thuộc hạ của mình đó là một thành phố sắt ở địa ngục. (Yama lúc này mang hình dáng thân người đầu trâu nước).

Để điều phục Yama, Văn Thù Sư Lợi sử dụng hình dạng như vậy, nhưng thêm vào đó tám đầu và nhân lên nhiều tay, mỗi cánh tay đều cầm những thứ vũ khí đáng sợ. Và hơn thế nữa từ trong thân ngài mọc ra thêm một số lượng chân tương ứng, xung quanh ngài là một số lượng lớn những chúng sanh đang kinh hãi.

Để đối đầu với cái chết, ngài hiện thân như chính bản thân của thần chết được nhân lên nhiều lần. Thần chết Yama thấy được bản thân nhưng sự khủng khiếp lại gấp nhiều nhiều lần. Lúc này thần chết Yama gặp phải tình cảnh đúng nghĩa là “sợ muốn chết”.

Đó là lý do tại sao các nhà yogi khi thực hành pháp yamantaka , thông qua hình tượng yamantaka họ sẽ phát tiển được định lực đủ mạnh để đối diện với cái chết, cũng như các sự sợ hãi về cái chết. Mỗi đầu, mỗi cánh tay, mỗi bàn chân cho đến từng thái độ, từng món trang sức, tất cả biểu tượng đó của Yamantaka đều là những mảng giác ngộ tối cần thiết cho việc đối diện với cái chết.

Cả Yama và Yamantaka đều mang hình tướng là đầu trâu nhưng Yama thì luôn có một món trang sức hình bánh xe ở trên ngực, đây là dấu hiệu đặc trưng để phân biệt hai vị hộ pháp này.

 


Yama – Dạ Ma: Thần chết

Dựa trên những truyền thuyết về nguồn gốc của Yama, một người đàn ông được một vị thánh cho biết rằng nếu ông ta nhập định 50 năm ở trong 1 hang động, ông ta có thể đạt được giác ngộ.

Thời gian cứ thế trôi đi, đúng vào đêm ngày thứ 29 của tháng thứ 11 của năm thứ 49. Hai tên trộm đã chạy trốn vào hang động của ông. Trong tay bọn chúng là cái đầu của con trâu mà bọn chúng giết trộm. 

Sau đó chúng mới phát hiện ra rằng người đàn ông đã biết được việc làm mờ ám của bọn chúng, bọn chúng quyết định giết ông để bịt đầu mối.

Ông ta van xin bọn chúng tha mạng cho ông, bởi vì chỉ còn vài phút nữa là ông có thể đạt tới giác ngộ. Nếu bị giết chết trước thời hạn 50 năm thì mọi công sức của ông bị đổ sông đổ bể.Bọn cướp phớt lờ trước lời van xin của ông ta, và cắt đứt đầu của ông ta.

Ngay lúc đó, ông ta lập tức biến thành yama và đội cái đầu trâu vào cái xác ko đầu của mình. Yama giết chết hai tên cướp và uống cạn máu của chúng bởi cái chén được làm bằng sọ của bọn chúng. Trong cơn điên cuồng báo thù, Yama đe doạ tiêu diệt hết tất cả dân Tây Tạng.

Người dân Tây Tạng nguyện cầu đức Văn Thù Sư Lợi , xin ngài bảo vệ dân chúng trước cuộc báo thù của Yama. Văn Thù Sư Lợi liền vận dụng thần thông hoá thân thành Yamantaka ( Hàng phục dạ ma ), ngài đánh bại Yama, để cứu giúp dân chúng, đồng thời ngài khiến Yama trở thành một trong những hộ pháp của Phật giáo.

Chúng ta thường thấy Yama hay xuất hiện trong thangka với một phối ngẫu của mình, Chamundi, là người dâng cho Yama một chén tiên dược máu quỷ (cam lồ máu). Và những xác người chết như là thứ trang sức của Yama. Yama có màu xanh đen của đầu con trâu.

 


Bát đại Hộ pháp của Phật giáo Tây Tạng

Một điều khó hiểu của Phật giáo đó là sự xuất hiện của các dạng hình tướng phẫn nộ, khủng khiếp… Có thể nói đó là những hình tướng xấu xí, ghê rợn đến sởn tóc gáy, và những hình tướng phẫn nộ này dường như đi ngược lại với tinh thần Phật Giáo.

Những hình tướng này không hề là biểu tượng cho cái ác hay là tượng trưng cho một ma lực nào đó…Mà thay vào đó chính là tượng trưng cho sự dũng mãnh của thực tại căn bản của vũ trụ nói chung, và tượng trưng cho tâm thức của con người  nói riêng.

Ngoài ra đó còn là sự tiêu diệt những mê muội hư vọng của tâm thức con người, và mục đích của các vị còn là sự bảo hộ cho lòng tín, đức tin. Những hộ thần phẫn nộ là những tượng trưng cho sự chế ngự dục vọng, đánh bại những điều xấu xa.

Những hộ thần thường có thân hình chắc nịch, ngắn nhưng dày… nhiều vị còn có nhiều đầu nhiều tay. Màu sắc của khuôn mặt các ngài thường đựơc hay so sánh với màu mây, màu đá quý…

Đó là lý do tại sao trong các sadhanas hay có những đoạn so sánh một vị hộ thần màu đen như đám mây xuất hiện cuối trời, hay là xanh như màu ngọc lục bảo, hoặc trắng như một ngọn núi pha lê, màu vàng như vàng ròng, hoặc màu đỏ như là những tia nắng nơi ngọn núi san hô đỏ…

Trong các sadhanas cũng có nói rằng các ngài phủ đầy người một lớp tro của các buổi lễ trộn với dầu mè hoặc là phủ khắp người những vết mỡ, những đốm máu và mỡ người.

Khuôn mặt của các ngài thường có những biểu hiện như sau: miệng mở một cười giận dữ, từ đó ló ra những chiếc răng nanh – người ta hay nói những chiếc nanh đó được làm bằng đồng hoặc sắt. Những con mắt đỏ ngầu đầy máu biểu lộ cho sự phẫn nộ. Thường thì các ngài có 3 mắt.

Điều quan trọng nhất trong nhóm các hộ thần đó chính là nhóm 8 vị, được biết đến như là các hộ pháp chính của Phật giáo Tây Tạng (Bát Đại Hộ Pháp), các hộ pháp này được xem như những vị bồ tát, và các ngài có nhiệm vụ chiến đấu một cách không khoan nhượng với bất kì thế lực ma quỷ nào cũng như những kẻ thù của Phật giáo .

 

Họ bao gồm :

* Yama (Dạ Ma)

* Mahakala (Đại Hắc Thiên)

* Yamantaka (Hàng Phục Dạ Ma)

* Kubera (Tài Bảo Thiên Vương)

* Hayagriva (Mã Đầu Minh Vương)

* Palden Lhamo (Bạch Lạp Mỗ)

* Tshangs pa (Phạm Thiên Trắng)

* Begtse



Bài đăng phổ biến từ blog này

5 Đại Minh Vương Của Mật Giáo

8 Vị Bồ Tát Phổ Biến Trong Phật Giáo

12 Hình Ảnh Đẹp Nhất Về Hư Không Tạng Bồ Tát